khoa hoc

Ứng dụng chỉ số tưới máu trong tiên lượng và dự phòng tụt huyết áp sau gây tê tủy sống cho bệnh nhân mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị

Chủ nhiệm BS.Mai Hải Thủy Thành viên BSCKI. Trần Nam Hưng BS.Trần Ngọc Trịnh
Số N/A Năm 2020
Cấp độ Đề tài cấp sở Lĩnh vực Y khoa
Tỷ lệ phẫu thuật lấy thai ở nhiều nước trên thế giới tăng nhanh trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là các nước phát triển. Ở Hoa Kỳ, tỉ lệ mổ lấy thai là 21% năm 1996, năm 2011 tỉ lệ này là 32,8%.Năm 2001, ở Anh tỉ lệ mổ lấy thai là 21,4% – tăng gấp 5 lần so với năm 1971. Tại Hy Lạp tỷ lệ mổ lấy thai tăng từ 13,80% giai đoạn 1977 – 1983 lên đến 29,90% giai đoạn 1994- 2000.Trung Quốc: Năm 1966 tỉ lệ MLT là 2,4% đến 2010 tỉ lệ này là 46%. [6] Cùng với thế giới, ở Việt Nam tỷ lệ PTLT cũng gia tăng rõ rệt. Đầu những thập kỷ 60-70 chỉ khoảng 10-11% (Theo Đinh Văn Thắng 1964) đến năm 1997 là 34,6% (theo Vũ Công Khanh nghiên cứu tại Bệnh viện Bà mẹ Trẻ sơ sinh Trung Ương 1998) gấp hơn 3 lần và tới những năm gần đây là: 48,23% (Phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2012).[6]
Với tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng thì việc chọn một phương pháp vô cảm thích hợp là vấn đề rất quan trọng, phải đảm bảo cuộc phẫu thuật diễn ra thành công, an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Có nhiều phương pháp vô cảm được áp dụng trong mổ lấy thai như gây mê toàn thân, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng,…. Trong đó gây tê vùng được sử dụng trong đa số các trường hợp mổ lấy thai mà gây tê tủy sống (GTTS) là phương pháp vô cảm thường áp dụng nhất vì thao tác đơn giản, dễ thực hiện, nhanh chóng, hiệu quả vô cảm và mức độgiãn cơ tốt giúp bác sĩ sản khoa lấy thai dễ dàng và giảm nguy cơ sang chấn. Khi được GTTS, sản phụ tỉnh táo, thoải mái và cảm nhận được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy con chào đời. Sau mổ sản phụ an tâm, ít khó chịu, ít xảy ra buồn nôn, nôn và đau họng do không phải đặt ống nội khí quản như khi gây mê toàn thân. Tuy có những ưu điểm như vậy nhưng gây tê tủy sống cũng có thể gây ra những phiền muộn như đau đầu, bí tiểu, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp,… Trong đó, tụt huyết áp là tình trạng thường gặp nhất và ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân mổ lấy thai được gây tê tủy sống. Vì vậy, duy trì huyết áp ổn định sau gây tê mổ lấy  là vấn đề khó và là yêu cầu bắt buộc với bác sỹ gây mê hồi sức. Để làm được điều đó cần phải kết hợp giữa tiên lượng, dự phòng, theo dõi sát và điều trị hiệu quả. Trong đó việc tiên lượng và dự phòng có vai trò rất quan trọng.
Chỉ số tưới máu (Perfusion Index)  thu được qua cảm biến độ bão hòa oxy mao mạch là tỉ lệ giữa dòng máu mạch đập và dòng máu liên tục ở mao mạch ngoại vi. Nó phản ánh tình trạng trương lực của mạch máu ngoại vi, giá trị nằm trong khoảng 0,02 đến 20, PI càng cao thì trương lực mạch máu càng giảm.
Giá trị chỉ số tưới máu trước gây tê được cho là có liên quan đến đến mức độ tụt huyết áp sau gây tê tủy sống. Do vậy chúng tôi thực hiện đề tài này nhằm mục tiêu: Khảo sát giá trị của chỉ số tưới máu trong tiên lượng và dự phòng tụt huyết áp sau gây tê tủy sống cho mổ lấy thai.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây