tin tuc

Giám sát vệ sinh hô hấp phòng tránh viêm phổi cho người bệnh hôn mê, người bệnh thở máy tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc

Chủ nhật - 10/05/2020 13:04
Giám sát vệ sinh hô hấp phòng tránh viêm phổi cho người bệnh hôn mê, người bệnh thở máy tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc
I. Các khái niệm về giám sát
1.    Giám sát nhiễm khuẩn là gì?
Giám sát NKBV là một thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) quan trọng. Thông qua việc giám sát xác định tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), tỷ lệ tử vong do NKBV, các yếu tố nguy cơ, tình hình vi khuẩn kháng kháng sinh gây NKBV… giúp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đánh giá đúng thực trạng NKBV, phát hiện sớm các vụ dịch NKBV, phát hiện các vấn đề cần tập trung can thiệp, đánh giá hiệu quả của các biện pháp KSNK đồng thời cung cấp bằng chứng để đề xuất các biện pháp phòng ngừa NKBV phù hợp và hiệu quả
2.    Khái niệm về giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện
Giám sát NKBV là quá trình thu thập, phân tích có hệ thống và liên tục dữ liệu NKBV. Giám sát kết hợp với thông báo kịp thời các kết quả giám sát tới những người cần biết là một biện pháp quan trọng trong thực hành phòng ngừa và KSNK. Giám sát NKBV không chỉ để biết thực trạng và các vấn đề liên quan tới NKBV mà là một biện pháp làm giảm NKBV. Để công tác giám sát NKBV mang lại hiệu quả cao, mỗi cơ sở KBCB cần thiết lập một hệ thống giám sát phù hợp bao gồm những hoạt động cơ bản như lập kế hoạch thu thập dữ liệu thường xuyên, có hệ thống giám sát, phân tích và thông báo kịp thời các kết quả giám sát. Giám sát NKBV là một biện pháp KSNK, là nội dung quan trọng của chương trình KSNK. Dữ liệu giám sát NKBV đóng vai trò quan trọng trong đánh giá chất lượng các dịch vụ chăm sóc y tế trong cơ sở KBCB. Thông qua việc áp dụng các nguyên tắc dịch tễ học và phương pháp giám sát thích hợp các dữ liệu thu thập được giúp cơ sở KBCB đưa ra các quyết định, biện pháp KSNK phù hợp, hiệu quả.
3.    Giám sát vệ sinh hô hấp là gì?
Là giám sát việc làm vệ sinh mũi hầu, họng, răng miệng, phế quản và phổi cho người bệnh, làm vệ sinh dụng cụ thở máy như ống nội khí quản, bộ dây máy thở, bình làm ẩm máy thở, ống hút dịch, dây hút và máy giúp thở; Giám sát hành vi thực hành vệ sinh hô hấp của nhân viên y tế trên người bệnh.

II. Các nguy cơ viêm phổi bệnh viện
1. Đường vào của vi sinh vật gây bệnh: Vi sinh vật xâm nhập vào phổi từ:
-     Các chất tiết từ vùng hầu họng
-     Dịch dạ dày bị trào ngược
-     Các dụng cụ hỗ trợ hô hấp hoặc bàn tay NVYT bị ô nhiễm.
-     Đường máu, bạch mạch
Các dụng cụ hỗ trợ hô hấp như bình làm ẩm oxy, máy thở, bộ dây máy thở máy nội soi phế quản,  là các ổ chứa vi khuẩn, có thể từ dụng cụ đến người bệnh, từ người bệnh này đến người bệnh khác, từ một vị trí của cơ thể đến đường hô hấp dưới của cùng một người bệnh qua bàn tay của nhân viên y tế hoặc qua dụng cụ.
Bóng giúp thở (ambu) là nguồn đưa vi khuẩn vào phổi người bệnh qua mỗi lần bóp bóng vì bóng rất khó rửa sạch và làm khô giữa các lần dùng, ngoài ra bóng còn bị nhiễm khuẩn thông qua bàn tay của NVYT. Cần làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ các dụng cụ y tế sử dụng lại bằng cách rửa sạch, khử khuẩn và tiệt khuẩn đúng cách.
Dây thở dùng với bộ phận làm ẩm là nguồn chứa vi khuẩn gây viêm phổi ở người bệnh thở máy, nước lắng đọng ở đường ống và tụ lại ở bộ phận bẫy nước làm cho dây thở nhanh chóng bị nhiễm khuẩn, thường là do vi khuẩn xuất phát từ vùng miệng và hầu. Vì thế cần tránh nước bị ứ động trong đường ống để tránh gây viêm phổi do nước bị nhiễm khuẩn trong đường ống chảy vào phổi người bệnh.
2. Các yếu tố do can thiệp y tế
-  Đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
- Đặt ống thông mũi dạ dày: ống thông làm gia tăng vi sinh vật ký sinh ở vùng mũi, hầu, gây trào ngược dịch dạ dày, vi khuẩn từ dạ dày theo đường ống đến đường hô hấp trên.
- Các điều kiện tạo thuận lợi cho quá trình trào ngược hoặc viêm phổi do hít sặc: như đặt nội khí quản, đặt ống thông dạ dày, tư thế nằm ngửa. Nghiên cứu cho thấy lòng ống nội khí quản nhanh chóng bị phủ một lớp màng sinh học có thể chứa đến hàng triệu vi khuẩn/cm2. Sự phát triển của vi sinh vật ký sinh ở ống nội khí quản và khí quản do vi khuẩn từ chất tiết đọng phía trên bóng chèn của ống nội khí quản đi vào và phát triển ở khí phế quản.
- Các bệnh lý cần thở máy kéo dài: làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các dụng cụ bị nhiễm khuẩn, bàn tay của NVYT bị nhiễm bẩn. Người bệnh thở máy bị mất các cơ chế bảo vệ bình thường do ống nội khí quản ngăn cản cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể và là nơi vi khuẩn đến cư trú và phát triển, ngoài ra vi khuẩn phát triển từ chất tiết ứ đọng phía trên bóng của ống nội khí quản đi vào khí quản. Lòng ống nội khí quản bị phủ lớp màng sinh học cũng là yếu tố làm gia tăng nhiễm khuẩn. 
 - Các yếu tố cản trở quá trình khạc đờm: như các phẫu thuật vùng đầu, cổ, ngực, bụng, bất động do chấn thương hoặc bệnh, dùng thuốc an thần hay hôn mê.
3. Các yếu tố môi trường, dụng cụ
- Lây truyền các vi khuẩn gây VPBV như trực khuẩn Gram âm và tụ cầu qua bàn tay của NVYT bị nhiễm bẩn thông qua các thao tác như hút đờm, vệ sinh răng miệng, bơm thức cho người bệnh, cầm vào dây máy thở, vào ống nội khí quản... Vì thế NVYT phải tuyệt đối chú ý đến vấn đề vệ sinh tay, mang găng khi thực hành các thủ thuật trên người bệnh 
- Lây truyền các vi sinh vật gây VPBV qua dụng cụ không được tiệt khuẩn đúng quy cách
- Lây truyền các vi sinh vật gây VPBV qua môi trường không khí, qua bề mặt các thiết máy móc...

III. Các vấn đề cần giám sát phòng ngừa viêm phổi
1.    Giám sát thực hành vệ sinh hô hấp
-    Giám sát thực hành hút dịch mũi miệng cho người bệnh, hút qua nội khí quản, qua khai khí quản
-    Giám sát thực hành vệ sinh răng miệng cho người bệnh
-    Giám sát thực hành pha dung dịch vệ sinh răng miệng theo quy định
-    Giám sát thực hành thay bộ dây máy thở theo quy định
-    Giám sát thực hành thay dây hút dịch theo quy định 
2.    Giám sát khử khuẩn, tiệt khuẩn những dụng cụ hỗ trợ hô hấp và làm vệ sinh hô hấp bao gồm máy thở, bóp bóng có ambu, bộ dây máy thở, dây và bình hút dịch
3.    Các biện pháp phòng ngừa
-   Vệ sinh tay: Vệ sinh tay là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa viêm phổi cho người bệnh. Thực hành VST theo đúng các thời điểm quy định
-   Vệ sinh mũi họng và răng miệng: Người bệnh hôn mê, người bệnh thở máy cần làm vệ sinh răng miệng mỗi 12h/lần. Các dung dịch vệ sinh răng miệng: Chlohexadin, Betadin 2%...Dụng cụ làm vệ sinh răng miệng cho người bệnh được dùng riêng mỗi bệnh nhân/bộ.
Mỗi lần hút dịch mũi miệng cho người bệnh là một ống hút, hút mũi trước (hoặc ống nội khí quản), hút miệng sau, kết hợp vừa làm vệ sinh răng miệng vừa hút. Không dùng lại ống hút cho lần sau và cho người bệnh khác, dùng nước cất để tráng ống giữa hai lần hút.
-    Thay dụng cụ hỗ trợ hô hấp cho người bệnh thở máy dài ngày:
•    Bộ dây máy thở được thay  mỗi 72h/ lần và khi cần.Thay khi dùng cho người bệnh mới
•    Thay đoạn sâu nối giữa nội khí quản và bộ dây thở 24h/lần và khi cần
•    Dây hút dịch được thay 24h/lần, ống hút dịch được loại bỏ ngay sau mỗi lần sử dụng
•    Đổ nước trong bình hút dịch và làm sạch mỗi 4h/lần và khi cần
•    Máy hỗ trợ hô hấp cho người bệnh thở máy dài ngày phải được thay 7 ngày/lần và khi cần.
-    Chế độ vệ sinh khử khuẩn tiệt khuẩn cho các dụng cụ hỗ trợ hô hấp và dụng cụ làm vệ sinh răng miệng theo đúng quy định (Theo Quyết định 3617/BYT năm 2012).
-    Riêng máy thở phải làm vệ sinh bề mặt hàng ngày bằng dung dịch khử khuẩn theo quy định. Sau khi thay máy phải tổng vệ sinh và có chế độ bảo dưỡng máy theo quy định.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định 3671/QĐ-BYT ngày 27/9/2017 về việc hướng dẫn phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.
2. Quyết định 3916/QĐ-BYT ngày 28/7/2017 về việc hướng dẫn phòng ngừa kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.

Tác giả bài viết: Lê Thị Liễu - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây