tin tuc

Tật Dính Ngón (Syndactyly)

Thứ hai - 07/11/2022 20:29
Dị tật dính ngón là một trong những dị tật thường gặp ở trẻ em, có thể gặp đơn thuần hoặc phối hợp trong các hội chứng khác như hội chứng vòng thắt (constrictive ring syndrome), Poland, Apert, Carpenter… Tỉ lệ mắc khoảng 1 trên 2000 trẻ, chiếm 20% các dị tật bẩm sinh ở bàn tay, và có 50% các trường hợp mắc cả hai bên. Ở bàn tay thường dính các ngón 3 và 4, trong khi bàn chân hay gặp ở ngón 2 và 3. Nam mắc nhiều hơn nữ và người da trắng hay mắc hơn các chủng tộc khác.
Hình 1: Dính ngón 3-4 đơn thuần
Hình 1: Dính ngón 3-4 đơn thuần
Hình 2: Dính ngón trong hội chứng Apert
Hình 2: Dính ngón trong hội chứng Apert
Vào tuần thứ 4 của thai kì, các nụ chi bắt đầu hình thành và phát triển thành taychân, các ngón tách nhau ra ở tuần thứ 7 nhờ hiện tượng chết tế bào theo chương trình(apoptosis). Nếu quá trình này bị rối loạn sẽ dẫn đến các ngón không được phân tách hoàn toàn gây nên tật dính ngón.

Tật dính ngón được phân loại thành dính hoàn toàn hoặc không hoàn toàn và dính đơn giản hoặc phức tạp. Dính hoàn toàn là hai ngón kế cạnh dính với nhau từ kẻ ngón cho đến đầu ngón, trong khi đó dính không hoàn toàn thì ngón chỉ dính với nhau từ kẻ ngón cho đến giữa ngón. Nếu chỉ dính phần mềm thì được coi là dính đơn giản, còn có tình trạng xương dính với nhau là dính phức tạp. Do vậy x quang nên được chụp để kiểm tra có hiện tượng dính và biến dạng xương hay không. Bên cạnh đó, tật dính ngón có thể gặp trong các hội chứng đã nêu trên, cần khám tổng quát để phát hiện các dị tật khác đi kèm.
Hình 3: Các dạng dính ngón (A: đơn giản, không hoàn toàn; B: đơn giản, hoàn toàn; C: phức tạp)
Hình 3: Các dạng dính ngón (A: đơn giản, không hoàn toàn; B: đơn giản, hoàn toàn; C: phức tạp)
Điều trị không phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp dính không hoàn toàn ở ngón tay ngón chân nếu tình trạng dính không ảnh hưởng đến chức năng của chi. Tuy nhiên, trẻ sẽ gặp một số khó khăn sau này như đeo nhẫn, mang găng tay, thẩm mỹ do vậy cha mẹ hay lựa chọn phẫu thuật. Thời gian phẫu thuật thích hợp thường sau một tuổi. Các trường hợp dính ngón không cân xứng như giữa ngón 4 và 5, hoặc có dính xương nên được phẫu thuật sớm từ 6-12 tháng tuổi, do sự phát triển của các ngón tay khác nhau sẽ gây ra biến dạng nhiều, ngón ngắn hơn sẽ kéo lệch ngón dài. Phẫu thuật bao gồm tách hai ngón tay dính với nhau, tạo hình lại kẻ ngón và ghép da lên vùng ngón tay còn thiếu da che phủ. Đôi khi cần chỉnh trục lại xương nếu có biến dạng nặng. Với trường hợp dính nhiều ngón với nhau, thường ngón 1-2, 4-5 sẽ được tách trước, sau 6 tháng sẽ tiếp tục tách các ngón còn lại. Việc này nhằm tránh hoại tử ngón tay do các mạch máu nuôi hai bên ngón ở trẻ thường rất nhỏ, nguy cơ tổn thương cao do phẫu thuật. Biến chứng của phẫu thuật như nhiễm trùng ít gặp, sẹo xấu và biến dạng móng tay.
Hình 4:Một phương pháp thiết kế vạt da khi tách ngón (Bauer và cộng sự)
Hình 4:Một phương pháp thiết kế vạt da khi tách ngón (Bauer và cộng sự)
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, phẫu thuật dị tật bẩm sinh bàn tay đã được thực hiện từ lâu, đem lại kết quả hài lòng cho bệnh nhân và gia đình. Mọi bệnh nhân có nhu cầu khám và phẫu thuật có thể liên hệ Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng (số điện thoại: 0911394080) để được tư vấn điều trị.
 
Một số hình ảnh bệnh nhân được phẫu thuật tại bệnh viện:
Hình 5: Dính ngón 3-4 hoàn toàn trước và sau phẫu thuật ở trẻ 12 tháng tuổi
Hình 5: Dính ngón 3-4 hoàn toàn trước và sau phẫu thuật ở trẻ 12 tháng tuổi
Hình 6: Sau phẫu thuật tách ngón 4 tuần
Hình 6: Sau phẫu thuật tách ngón 4 tuần
Tài liệu tham khảo :
[1] Frederick M. Azar, MD, James H. Beaty, MD, Campbell’s Operative Orthopaedics, vol. 4, 2021, p. 3993.
[2] Stuart L. Weinstein, MD;John M. (Jack) Flynn, MD, Lovell and Winter’s pediatric orthopaedics, 2014, p. 943.

Tác giả bài viết: BSCKI. Võ Ngọc Duy – Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây