tin tuc

Trầm cảm sau sinh

Thứ ba - 04/04/2023 21:23
Phụ nữ luôn có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới, nguy cơ này càng tăng cao ở những thời điểm đặc biệt trong đời như dậy thì, mang thai, sinh con và mãn kinh. Trong những thời điểm đó, trầm cảm sau sinh là vấn đề cần quan tâm nhất, bởi ngoài tần suất cao, thì hậu quả không chỉ ở người bệnh, gia đình, mà còn với em bé mới chào đời. Tình trạng này diễn ra khoảng 10 ngày sau sinh, và đỉnh cao nhất là ngày thứ 5 hậu sản. Những triệu chứng phổ biến thường gặp như buồn bã, cảm xúc thất thường, tâm lý yếu, dễ cáu giận, dễ khóc… hay có thể nguy hiểm đến mức tự tử hoặc giết hại chính đứa trẻ của mình. Làm thế nào để nhận biết bà mẹ có trầm cảm hay không, bằng cách nào để chẩn đoán sớm, điều trị như thế nào, và quan trọng hơn, có cách dự phòng hay không?
Trầm cảm sau sinh

I. YẾU TỐ NGUY CƠ TRẦM CẢM SAU SINH
 Thực tế, rất khó nhận biết đâu là trầm cảm hay rối loạn cảm xúc bình thường sau sinh. Bác sĩ khó trong việc tư vấn và điều trị vì những dấu hiệu của trầm cảm sau sinh lại trùng lấp với những rối loạn khác, ví dụ như mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém, lo lắng… Bất kỳ bà mẹ nào mới sinh con đều có thể trải qua những cảm xúc này. Do đó, việc tiếp cận chẩn đoán có vai trò quan trọng của nhận biết các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân.
Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến trầm cảm:
– Trong thai kỳ:
• Mẹ lo lắng quá mức
• Tiền sử mắc trầm cảm
• Thai ngoài ý muốn
• Bạo lực gia đình
• Thu nhập thấp
• Trình độ học vấn thấp
• Hút thuốc lá
• Mẹ đơn thân
• Mối quan hệ với bạn đời bất ổn
– Sau sinh:
• Bị trầm cảm trong thời gian mang thai
• Lo lắng, sợ hãi trong suốt thời gian mang thai
• Có biến cố không hay xảy ra trong thời gian mang thai hay mới sinh con
• Sang chấn sản khoa
• Sinh non hay trẻ phải chăm sóc đặc biệt
• Tiền sử trầm cảm sau sinh
• Vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ
Những dấu hiệu để nhận biết
Những dấu hiệu để nhận biết
II. CHẨN ĐOÁN TRẦM CẢM SAU SINH
Công cụ chẩn đoán trầm cảm sau sinh hiện nay có rất nhiều, chủ yếu là phỏng vấn bằng bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Tiêu chuẩn chẩn đoán chung (Theo The diagnosis and Statistical manual of mental disorder, 5th edtion, American Psychiatric Association, 2013)
 – Có ít nhất 5 dấu hiệu sau đây, kéo dài suốt 2 tuần hoặc có sự thay đổi cảm xúc.
Được gọi là “có” khi có dấu hiệu giảm hay mất hứng thú (lưu ý các tình trạng bệnh lý đi kèm để đánh giá triệu chứng chính xác).
1. Luôn tự cảm thấy buồn bã, gần như buồn mỗi ngày, biểu hiện như cảm giác trống rỗng, tuyệt vọng hay người khác nhận thấy như vậy.
2. Giảm hứng thú với các hoạt động thường nhật, gần như ngày nào cũng vậy (tự nhận xét hay người khác nhận thấy vậy).
3. Sụt cân hay tăng cân đáng kể (thay đổi hơn 5% trọng lượng cơ thể trong 1 tháng dù không ăn kiêng để giảm cân hay ăn theo chế độ tăng cân). Thèm ăn quá nhiều hay quá ít so với bình thường mỗi ngày.
4. Mất ngủ/ngủ quá nhiều gần như mỗi ngày.
5. Rối loạn tâm thần vận động gần như mỗi ngày (được nhận thấy bởi người khác, không tính khi bệnh nhân chỉ cảm thấy mình chậm chạp hay mệt mỏi vì không được nghỉ ngơi).
6. Mệt mỏi, cảm thấy hết năng lượng gần như mỗi ngày.
7. Cảm thấy bản thân vô dụng, mất phương hướng.
8. Giảm khả năng tư duy/tập trung, không thể quyết định được điều gì gần như mỗi ngày
9. Suy nghĩ nhiều về cái chết (không chỉ là sợ chết), có ý định tự tử nhiều lần mà không có cách thức cụ thể.
Theo khuyến cáo của Hội Sản Phụ khoa thì thời điểm lý tưởng để tầm soát là trong khoảng 2 tuần đến 6 tháng sau sinh.
III. TRẦM CẢM SAU SINH NGHIÊM TRỌNG
– Tự tử trong giai đoạn hậu sản: Theo thống kê những nguyên nhân tử vong mẹ sau sinh ở United Kingdom và Australia thì tự tử là nguyên nhân hàng đầu, đặc biệt cao ở nhóm bệnh nhân rối loạn tâm thần và có dùng chất gây nghiện.
– Sát hại con mình: Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất của trầm cảm sau sinh nặng, có thể có rối loạn tâm thần đi kèm. Những bà mẹ sinh con ngoài ý muốn, có sử dụng chất gây nghiện hoặc thù hận với bố đứa trẻ thường có hành vi này.
Trầm cảm sau sinh
 
IV. KẾT LUẬN
Trầm cảm sau sinh là vấn đề không thể xem nhẹ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ. Giáo dục kiến thức, tư vấn, giải thích cho bà mẹ mang thai và sau sinh những vấn đề cơ bản về trẻ sơ sinh, cách chăm sóc trẻ là bước dự phòng hiệu quả. Nhu cầu được hỗ trợ, được giúp đỡ và được quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao, do đó, không chỉ chồng/bạn đời mà còn có vai trò quan trọng của bác sĩ điều trị, gia đình và các tổ chức xã hội. Như các bệnh lý khác, dự phòng luôn có ý nghĩa hơn điều trị và điều trị đúng mực tốt hơn xử lý hậu quả, bởi vì hậu quả của trầm cảm sau sinh đôi khi làm mất mạng sống của mẹ và bé sơ sinh mới chào đời.

Tác giả bài viết: Bs Hoàng Đại Nhân - Khoa TTK

Tổng số điểm của bài viết là: 42 trong 10 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 10 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây