Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://benhvientinh.quangtri.gov.vn


Bệnh lý Hungtington

Bệnh lý HUNGTINGTON
Bệnh lý Hungtington
I.TỔNG QUAN VỀ BỆNH HUNTINGTON
Bệnh Huntington trước đây có tên gọi là "múa giật Huntington", là bệnh di truyền hiếm gặp tuy nhiên có khả năng di truyền lớn, là căn bệnh gây ra sự thoái hóa tiến triển của các tế bào thần kinh trong não bộ. Hậu quả thường dẫn đến rối loạn vận động, suy nghĩ (nhận thức) và tâm thần.
Hầu hết những người bị bệnh Huntington xuất hiện triệu chứng ở khoảng những năm 30 hoặc 40 tuổi, nhưng triệu chứng cũng có thể khởi phát sớm hoặc trễ hơn. Khi bệnh khởi phát lần đầu trước tuổi 20 thì gọi là bệnh Huntington thiếu niên.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các thuốc có sẵn hiện nay chỉ giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải, nhưng phương pháp điều trị không thể ngăn chặn sự suy giảm về thể chất và tinh thần liên kết với tình trạng này.
Cấu tạo não bộ của bệnh nhân mắc bệnh Huntington
Cấu tạo não bộ của bệnh nhân mắc bệnh Huntington
II.NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH HUNTINGTON
Bệnh Huntington thường được di truyền, mặc dù có tới 10% trường hợp là do đột biến mới. Căn bệnh này được gây ra bởi rối loạn di truyền trội trên nhiễm sắc thể số 4, sự khiếm khuyết dẫn đến sự lặp lại của CAG (một phần của ADN) nhiều hơn so với gen bình thường.
Gen Hungtinting (HTT) được xác định là gen bị đột biến trong bệnh Huntington. Một đoạn trinucleotide CAG (cytosineadenine - guanine) trên gen HTT bị lặp lại nhiều hơn bình thường, làm tăng kích thước đoạn gen. Sự lặp lại này gây ra chết tế bào thần kinh. Đoạn gen này càng lặp lại nhiều lần thì bệnh Huntington khởi phát càng sớm.
Những người mắc bệnh Huntington dạng khởi phát ở tuổi trưởng thành thường có 40 đến 50 lần lặp lại CAG trong gen HTT. Trong khi những người mắc bệnh Huntington dạng thiếu niên có xu hướng có hơn 60 lần lặp lại CAG.
Những người có từ 27 đến 35 CAG lặp lại trong gen HTT không phát triển bệnh Huntington. Nhưng họ có nguy cơ sinh con sẽ mắc chứng rối loạn này. Khi gen được truyền từ cha mẹ sang con cái, sự lặp lại trinucleotide CAG có thể kéo dài đến phạm vi liên quan đến bệnh Huntington (36 lần lặp lại hoặc hơn).
 
Bệnh Huntington gây ra bởi bất thường khiếm khuyết di truyền đơn gen, do một đột biến gen trội nằm trên nhiễm sắc thể (NST) thường số 4
Bệnh Huntington gây ra bởi bất thường khiếm khuyết di truyền đơn gen, do một đột biến gen trội nằm trên nhiễm sắc thể (NST) thường số 4
Nguy cơ mắc bệnh
Một người sẽ thừa hưởng một cặp các gen từ bố mẹ, một nửa từ bố và một nửa từ mẹ. Với bệnh Huntington, một người chỉ cần nhận một gen bất thường gây bệnh từ bố hoặc mẹ sẽ mắc bệnh. Nếu một người mắc bệnh Huntington thì mỗi người con của họ sẽ có 50% khả năng mắc bệnh.  Bởi vì các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện ở tuổi trung niên, một số cha mẹ có thể không biết họ mang gen cho đến khi họ đã có con và có thể truyền tính trạng này.
III. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH HUNTINGTON LÀ GÌ?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Huntington khá đa dạng bao gồm: rối loạn vận động, nhận thức và tâm lý. Những triệu chứng khởi phát đầu tiên rất khác nhau ở mỗi người. Một số triệu chứng xuất hiện nhiều hơn hoặc có ảnh hưởng lớn hơn đến khả năng hoạt động, sinh hoạt hàng ngày. Nhưng điều đó có thể thay đổi trong suốt quá trình của bệnh.
1.Rối loạn vận động
Các rối loạn vận động liên quan đến bệnh Huntington có thể bao gồm cả các vấn đề về vận động không chủ ý và khiếm khuyết vận động chủ ý.
  • Những chuyển động giật không chủ ý (múa giật – chorea);
  • Các vấn đề về cơ, chẳng hạn như cứng hoặc co rút cơ (loạn trương lực cơ);
  • Chuyển động mắt chậm hoặc bất thường;
  • Khiếm khuyết dáng đi, tư thế và thăng bằng;
  • Gặp khó khăn trong vấn đề nói hoặc nuốt.
Khiếm khuyết trong các vận động chủ ý có thể có tác động lớn hơn đến khả năng làm việc, thực hiện các hoạt động hàng ngày, giao tiếp và duy trì tính độc lập của một người.
Khiếm khuyết trong các vận động chủ ý có thể có tác động lớn hơn đến khả năng làm việc, thực hiện các hoạt động hàng ngày, giao tiếp và duy trì tính độc lập của một người.
 
2.Rối loạn nhận thức
Các rối loạn nhận thức thường liên quan đến bệnh Huntington bao gồm:
  • Khó tổ chức, sắp xếp thứ tự ưu tiên hoặc tập trung vào một nhiệm vụ nào đó;
  • Thiếu linh hoạt hoặc có xu hướng bế tắc trong suy nghĩ, hành vi hoặc hành động;
  • Thiếu kiểm soát xung động có thể dẫn đến sự bộc phát, hành động thiếu suy nghĩ và tình dục không kiểm soát;
  • Thiếu nhận thức về hành vi và khả năng của bản thân;
  • Sự chậm chạp trong xử lý suy nghĩ hoặc tìm kiếm từ;
  • Khó khăn khi học thông tin mới.
3.Rối loạn tâm thần
Rối loạn tâm thần phổ biến nhất là trầm cảm. Trầm cảm xuất hiện do tổn thương não và những thay đổi sau đó trong chức năng não.

 Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
  • Cảm giác cáu kỉnh, buồn bã hoặc thờ ơ;
  • Xa lánh xã hội;
  • Mất ngủ;
  • Mệt mỏi và mất năng lượng;
  • Thường xuyên nghĩ đến cái chết hoặc tự tử.
Các rối loạn tâm thần phổ biến khác bao gồm:
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Một tình trạng được đánh dấu bằng những suy nghĩ tái diễn, xâm phạm và hành vi lặp đi lặp lại;
  • Hưng cảm, có thể gây ra trạng thái hưng phấn, hoạt động quá mức, hành vi bốc đồng;
  • Rối loạn lưỡng cực, một tình trạng với các giai đoạn trầm cảm và hưng cảm xen kẽ.
Ngoài các rối loạn trên, sụt cân thường gặp ở những người mắc bệnh Huntington, đặc biệt là khi bệnh tiến triển.
¤ Các triệu chứng của bệnh Huntington thể thiếu niên
Sự khởi phát và tiến triển của bệnh Huntington ở người trẻ tuổi có thể hơi khác so với người lớn. Các triệu chứng thường xuất hiện sớm trong quá trình bệnh bao gồm:

Thay đổi hành vi
  • Khó tập trung, chú ý;
  • Thành tích học tập giảm nhanh, đáng kể;
  • Các vấn đề về hành vi.
Thay đổi thể chất
  • Các cơ bị co cứng ảnh hưởng đến dáng đi (đặc biệt là ở trẻ nhỏ);
  • Run hoặc cử động nhẹ không tự chủ;
  • Thường xuyên bị ngã hoặc vụng về;
  • Co giật.
IV. CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH
Sau khi khởi phát bệnh Huntington, khả năng hoạt động chức năng của bệnh nhân  diễn biến xấu dần, tốc độ và thời gian tiến triển của bệnh sẽ thay đổi tùy từng cá thể. Tuy nhiên, thời gian khởi phát của bệnh càng sớm thì tiên lượng bệnh càng xấu.Trung bình thời gian từ khi bệnh khởi phát cho tới khi tử vong là khoảng 10-30 năm nhưng nếu Hungtinton chẩn đoán giai đoạn thiếu niên thì đời sống thường ngắn hơn, có thể chỉ trong vòng 10 năm.
Trầm cảm lâm sàng liên quan đến bệnh Huntington có thể làm tăng nguy cơ tự tử. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ tự tử cao hơn xảy ra trước khi chẩn đoán được đưa ra và ở giai đoạn giữa của bệnh khi một người bắt đầu mất độc lập.
Cuối cùng, một người mắc bệnh Huntington cần được giúp đỡ trong mọi hoạt động sinh hoạt và chăm sóc hàng ngày. Ở giai đoạn muộn của căn bệnh này, trẻ có thể sẽ phải nằm trên giường và không thể nói được. Một số người mắc bệnh Huntington nói chung có thể hiểu ngôn ngữ và có nhận thức về gia đình và bạn bè, mặc dù một số người sẽ không nhận ra các thành viên trong gia đình.
Nguyên nhân tử vong phổ biến bao gồm:
  • Viêm phổi hoặc các bệnh nhiễm trùng khác
  • Chấn thương liên quan đến ngã
  • Các biến chứng liên quan đến không thể nuốt
V.KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ ?
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy những thay đổi trong cử động, trạng thái cảm xúc hoặc khả năng tâm thần của mình. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Huntington cũng có thể do một số vấn đề sức khỏe khác gây ra. Do đó, điều quan trọng là bạn phải được chẩn đoán chính xác và kĩ lưỡng.
V. CHẨN ĐOÁN
Để có thể chẩn đoán bệnh múa giật Huntington, trước hết sẽ tiến hành khám tổng quát cơ thể, thăm khám tâm – thần kinh và xem xét đến tiền sử bệnh của gia đình.
Trong đánh giá ban đầu, bác sĩ sẽ
Thực hiện khám lâm sàng.
Hỏi về bệnh sử và lịch sử bệnh sử của gia đình.
Hỏi về bất kỳ thay đổi trong tình cảm hay trí tuệ gần đây.
Kiểm tra thần kinh
Bác sĩ thần kinh sẽ hỏi bạn các câu hỏi và tiến hành các xét nghiệm tương đối đơn giản về:
  • Các triệu chứng vận động, chẳng hạn như phản xạ, sức mạnh cơ và thăng bằng
  • Các triệu chứng về giác quan, bao gồm xúc giác, thị giác và thính giác
  • Các triệu chứng tâm thần, chẳng hạn như tâm trạng và trạng thái tinh thần
Kiểm tra tâm lý thần kinh
Bác sĩ thần kinh cũng có thể thực hiện các xét nghiệm tiêu chuẩn để kiểm tra:Ký ức, lý luận, tinh thần nhanh nhẹn; kỹ năng ngôn ngữ; lý luận không gian.
Đánh giá tâm thần
Bạn sẽ được giới thiệu đến bác sĩ tâm thần để khám để tìm một số yếu tố có thể góp phần vào chẩn đoán của bạn, bao gồm:trạng thái cảm xúc, hành vi, chất lượng phán đoán, kỹ năng đối phó; dấu hiệu của rối loạn suy nghĩ; bằng chứng lạm dụng chất kích thích.
Hình ảnh và chức năng não
Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm hình ảnh não bộ để đánh giá cấu trúc, chức năng của não. Các kĩ thuật hình ảnh bao gồm: Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scan).
Những hình ảnh này có thể tiết lộ những thay đổi trong não ở những vùng bị ảnh hưởng bởi bệnh Huntington. Những thay đổi này có thể không biểu hiện sớm trong quá trình bệnh. Các xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng để loại trừ các tình trạng khác có cùng triệu chứng.
Xét nghiệm và tư vấn di truyền
Nếu các triệu chứng gợi ý bệnh Huntington, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm di truyền để xác định gen bệnh. Xét nghiệm này có thể xác nhận chẩn đoán, và nó có thể giúp ích trong trường hợp không rõ tiền sử gia đình hoặc chưa có người nào trong gia đình từng được xét nghiệm di truyền để chẩn đoán.
Xét nghiệm sẽ không cung cấp thông tin hữu ích cho việc xác định kế hoạch chữa trị.
Trước khi xét nghiệm, nhà tư vấn di truyền sẽ giải thích lợi ích và hạn chế của việc biết kết quả xét nghiệm. Nhà tư vấn di truyền cũng có thể trả lời câu hỏi về kiểu di truyền của bệnh Huntington.
Xét nghiệm tiên đoán di truyền
Xét nghiệm di truyền cũng có thể được thực hiện trên những người có tiền sử gia đình bị bệnh nhưng không/chưa có dấu hiệu và triệu chứng. Trường hợp này gọi là xét nghiệm tiên đoán. Kết quả xét nghiệm không có lợi cho việc chữa trị, và nó không chỉ rõ khi nào bệnh sẽ khởi phát hoặc triệu chứng nào có thể xuất hiện đầu tiên.
Một vài người có thể chọn thực hiện xét nghiệm vì họ thấy căng thẳng khi không biết kết quả. Số khác có thể muốn thực hiện trước khi quyết định có con.
Những nguy cơ có thể gồm các vấn đề về bảo hiểm, ảnh hưởng lên công việc tương lai và những căng thẳng khi đối mặt với căn bệnh gây tử vong này. Những xét nghiệm này chỉ được thực hiện sau khi được tư vấn thích hợp.
VI. ĐIỀU TRỊ
Các biện pháp điều trị hiện tại không thể thay đổi tiến trình của bệnh Huntington, nhưng có thể giúp kiểm soát triệu chứng rối loạn vận động và tâm thần. Các can thiệp trên nhiều mặt có thể giúp bệnh nhân thích nghi với sự thay đổi khả năng bản thân trong một khoảng thời gian nhất định.
Việc sử dụng thuốc thường sẽ thay đổi theo tiến triển quá trình bệnh, phụ thuộc vào mục tiêu điều trị chung. Ngoài ra, thuốc chữa trị một vài triệu chứng có thể gây ra tác dụng phụ làm các triệu chứng khác tệ hơn. Các mục tiêu và kế hoạch chữa trị luôn cần được đánh giá lại và cập nhật phù hợp với từng giai đoạn và từng bệnh nhân.
Thuốc điều trị rối loạn vận động
Các thuốc được chỉ định để điều trị rối loạn vận động bao gồm:
  • Tetrabenazine (Xenazine) giúp ức chế tình trạng múa giật hay co giật không tự ý tác dụng phụ không mong muốn nguy hiểm là nguy cơ làm tệ thêm hay kích hoạt trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.
  • Thuốc chống loạn thần (như Chlorpromazine và Haloperidol): Giảm bớt triệu chứng múa giật, tuy nhiên có thể có tác dụng phụ làm tệ hơn hiện tượng cứng cơ, rối loạn trương lực cơ.
  • Một số loại thuốc khác giúp ức chế co giật như Levetiracetam, Amantadine và Clonazepam (Klonopin). Tuy nhiên, các thuốc này có thể làm tệ hơn hoạt động nhận thức trong bệnh Huntington và gây buồn ngủ, gây hội chứng chân không yên và đổi màu da, buồn nôn, khó tiêu và thay đổi tính khí/tâm trạng.
Rối loạn tâm thần
Các loại thuốc được chỉ định để điều trị rối loạn tâm thần bao gồm:
  • Thuốc chống trầm cảm (như Citalopram, Fluoxetine, Sertraline): hỗ trợ điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Thuốc chống loạn thần (như Quetiapine, Risperidone và Olanzapine): giúp ức chế các hoạt động bạo lực bộc phát, rối loạn tính khí.
  • Thuốc ổn định tính khí (như Valproate, Carbamazepine, Lamotrigine): hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng trầm cảm, hưng cảm.
Liệu pháp tâm lý
Một chuyên gia tâm lý trị liệu - một bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý học, hay chuyên viên xã hội lâm sàng (clinical social worker) có thể dùng liệu pháp trò chuyện để giúp một người kiểm soát hành vi, lên kế hoạch ứng phó, kiểm soát kỳ vọng sống trong quá trình tiến triển bệnh và hỗ trợ giao tiếp hiệu quả giữa những thành viên gia đình.
Ngôn ngữ trị liệu (Speech therapy)
Bệnh Huntington có thể gây khiếm khuyết đáng kể việc điều khiển cơ miệng và hầu họng, các cơ thường dùng trong việc phát âm, ăn uống và nuốt. Một nhà ngôn ngữ trị liệu (speech therapy) có thể giúp cải thiện khả năng nói năng trôi chảy hoặc dạy bệnh nhân sử dụng thiết bị giao tiếp, chẳng hạn là một cái bảng với các bức hình về các hạng mục và hoạt động mỗi ngày. Nhà ngôn ngữ trị liệu cũng có thể giải quyết những trở ngại trong việc sử dụng các cơ để ăn uống và nuốt.
Vật lý trị liệu (Physical therapy)
Một nhà vật lý trị liệu có thể dạy bạn các bài tập thể dục an toàn và hợp lý nhằm nâng cao sức mạnh, độ dẻo dai, thăng bằng và phối hợp động tác. Những bài tập này có thể duy trì sự linh động và làm giảm nguy cơ bị té ngã.
Những hướng dẫn tư thế thích hợp và cách sử dụng những dụng cụ hỗ trợ để cải thiện dáng bộ giúp giảm bớt độ nghiêm trọng của các vấn đề vận động.
Khi đòi hỏi phải sử dụng nạng hay xe lăn, nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn cách sử dụng và tư thế thích hợp. Ngoài ra, các bài tập thể dục có thể được thay đổi để thích hợp với mức vận động mới (ví dụ chuyển từ mức đi bộ sang ngồi xe lăn).
Hoạt động trị liệu (Occupational therapy)
Một nhà hoạt động trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh, người thân và người chăm bệnh sử dụng các thiết bị hỗ trợ nhằm cải thiện các hoạt động chức năng hằng ngày. Những phương pháp này có thể bao gồm:
- Tay vịn ở nhà;
- Các thiết bị hỗ trợ cho những hoạt động như tắm và thay đồ;
- Những vật dụng hỗ trợ ăn uống cho người kém khả năng vận động tinh tế.
VII. PHÒNG NGỪA BỆNH
Bệnh Hungtinton là bệnh thuộc nhóm bệnh di truyền do đó để phòng ngừa bệnh cần hạn chế tối đa nhất xác xuất di truyền cho con cháu đời sau bằng cách khi trong gia đình có bệnh nhân Hungtinton thì cần cân nhắc các xét nghiệm gene di truyền và chọn lựa kế hoạch hóa gia đình. Các xét nghiệm gene tiền sinh hoặc thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng hay trứng nhận từ người khác có thể cần đặt ra để giảm thiểu tối đa khả năng di truyền gen bệnh cho các thể hệ sau.
Xét nghiệm di truyền học
Các cặp vợ chồng sẽ được thực hiện một xét nghiệm di truyền. Nếu đây là một kết quả xét nghiệm dương tính, vốn có nghĩa là họ sẽ mắc bệnh trong tương lai, như vậy sẽ có khả năng di truyền cho con của họ. Ngoài ra, các cặp vợ chồng sẽ cần phải lựa chọn thêm về việc có con hoặc cân nhắc các lựa chọn thay thế. Chẳng hạn như xét nghiệm gen trước khi sinh.
Thụ tinh trong ống nghiệm
Một lựa chọn khác cho các cặp vợ chồng là thụ tinh trong ống nghiệm và chẩn đoán di truyền tiền cấy ghép. Trong quá trình này, trứng được lấy ra khỏi buồng trứng và được thụ tinh với tinh trùng của người cha trong phòng thí nghiệm. Các phôi được kiểm tra sự hiện diện của gen Huntington. Và chỉ những phôi âm tính với gen Huntington mới được cấy vào tử cung của người mẹ.

Tóm lạibệnh Huntington là bệnh di truyền hiếm gặp, trong đó các tế bào não bị thoái hóa tiến triển theo thời gian. Bệnh gây nên những vấn đề về vận động, về tâm thần và nhận thức.
Hiện nay chưa có biện pháp nào điều trị khỏi hoặc làm chậm tiến trình bệnh. Tuy nhiên một số thuốc và biện pháp can thiệp có thể làm giảm triệu chứng bệnh. Cũng như giúp người bệnh thích nghi với cuộc sống hơn.  Bạn nên tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa để tìm biện pháp điều trị thích hợp nhất.

 

Tác giả bài viết: Bs Trần Thị Diệu Trinh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây