Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://benhvientinh.quangtri.gov.vn


Tinh dịch đồ - xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của nam giới

Tinh dịch đồ - xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản của nam giới
quan sat tinh trung duoi kinh hien vi
Quan sát tinh trùng dưới kính hiển vi
1. Đại cương
Vô sinh (infertility) được định nghĩa là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống, quan hệ tình dục trung bình 2-3 lần/tuần, không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai.
Tỷ lệ vô sinh ngày càng gia tăng, do sự suy giảm khả năng sinh sản của nam lẫn nữ dưới tác động của môi trường sống bị ô nhiễm, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, do căng thẳng, áp lực tâm lý "phải có con" hay do một số bệnh lý. Các nguyên nhân vô sinh có thể đến từ cả hai phía, trong đó, các bất thường của người chồng chiếm 40 %. Thống kê tại các quốc gia trên thế giới cho thấy, khoảng 90% bất thường này có liên quan đến tinh trùng.
Một trong các xét nghiệm đầu tiên của nam giới khi đến khám hiếm muộn vô sinh là thử tinh trùng, còn gọi là tinh dịch đồ.
Tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị kết quả khảo sát chất lượng tinh trùng nam giới tại tỉnh  Quảng Trị trên 350  cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn, có đến 91,4% trường hợp có bất thường tinh trùng. Trong đó bất thường về hình dạng tinh trùng chiếm 63,11% (theo tiêu chuẩn WHO 2010). Theo một khảo sát năm 2016 do khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện có tới 85,44% các cặp vợ chồng khám hiếm muộn có bất thường về tinh trùng.

2. Tinh dịch đồ là gì?

Tinh dịch đồ (hay phân tích tinh dịch) là một xét nghiệm tinh dịch tươi vừa được xuất tinh, thường được thu thập bằng cách tự kích thích bằng tay (thủ dâm). Nó là một phần thiết yếu, đơn giản của các xét nghiệm dành cho nam giới.
Một kiểm tra phân tích tinh dịch có tinh trùng đang hiện diện và giúp xác định nếu có một vấn đề với số lượng hoặc chất lượng của tinh trùng. Số lượng, hình dạng và chuyển động của tinh trùng được đo đạc dưới kính hiển vi.
3. Phân tích mẫu tinh dịch
3.1. Phân tích kết quả
3.1.1. Khảo sát đại thể

Sự ly giải (Liquefaction): tinh dịch sau khi phóng tinh sẽ tự hóa lỏng ở nhiệt độ 37 C gọi là sự ly giải (còn gọi là sự hóa lỏng), chủ yếu do các men Fibrinolysin và Aminopeptidase của tiền liệt tuyến. Bình thường thời gian ly giải là 15-60 phút. Thời gian ly giải lâu thường do viêm tiền liệt tuyến.
Độ nhớt (Viscosity): Còn gọi là độ quánh, đánh giá bằng cách quan sát sự kéo dài của giọt tinh dịch được nhỏ bằng pipette. Bình thường khi giọt tinh dịch nhỏ rời rạc hoặc không bị kéo dài quá 2cm. Độ nhớt cao thường do bất thường những thành phần trong tinh dịch.
Tính chất tổng quát: Tinh dịch sau ly giải có tính đồng nhất, màu trắng hoặc xám đục. Nếu màu vàng có thể do dùng một số loại vitamin, do lẫn nước tiểu hoặc nhiễm trùng. Màu hồng hoặc đỏ có thể do lẫn máu. Màu trắng trong có thể do tinh trùng ít. Tinh dịch lợn cợn có thể do viêm nhiễn đường tiết niệu.
Thể tích: Được tính bằng ml, có thể ước lượng chính xác bằng cách tính trọng lượng của mẫu tinh dịch. Bình thường thể tích tinh dịch ≥ 1,5ml. Thể tích tinh dịch thấp có thể do tắc ống phóng tinh, bất sản túi tinh, xuất tinh ngược dòng.
pH: Bình thường ≥ 7,2. pH thay đổi tùy thuộc vào dịch tiết tính acid của tiền liệt tuyến và dịch tiết tính kiềm của túi tinh. pH dưới 7 thường gặp trong bất sản túi tinh hoặc tắc ống phóng tinh. 
3.1.2 Khảo sát dưới kính hiển vi
Đánh giá tổng quát: Đánh giá khởi đầu bằng độ phóng đại 100 (10X) xem sự phân tán của tinh trùng, ghi nhận sự kết dính (agglutination: thường do nguyên nhân miễn dịch, các tinh trùng có thể kết dính dạng đầu-đầu, đuôi-đuôi hoặc hỗn hợp); sự kết đám (aggregation: thường do nhiễm trùng, các tinh trùng sống, tinh trùng chết cùng các tế bào hoặc cặn tụ lại với nhau); và ghi nhận các tế bào lạ như bạch cầu, tế bào biểu mô.
Đánh giá tinh trùng di động: Khảo sát sự di động tự nhiên của tinh trùng. WHO 2010 đưa ra tiêu chuẩn đánh giá sự di động của tinh trùng gồm 3 loại: + Di động PR (Progressive motility): tinh trùng di động tiến tới + Di động NP (Non- progressive motility): tinh trùng di động nhưng không tiến tới + Không di động (IM: Immotile )
Đánh giá tỉ lệ sống của tinh trùng: Nhuộm tinh trùng bằng phương pháp eosin-nigrosin để xác định tỉ lệ tinh trùng sống. Dưới tiêu bản kính hiển vi, tinh trùng chết sẽ có màu hồng do bắt màu thuốc nhuộm, tinh trùng sống sẽ có màu trắng do không bắt màu.
Đánh giá mật độ tinh trùng: Để đếm mật độ tinh trùng, cần pha loãng tinh dịch với dung dịch pha loãng và đếm bằng buồng đếm Neubauer.
Đánh giá hình dạng tinh trùng: Hình dạng tinh trùng cung cấp thông tin quan trọng giúp dự đoán tỉ lệ thụ thai nếu được đánh giá theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt (Strict Criteria). Tinh trùng được nhuộm theo phương pháp Papanicolaou. Tinh trùng bình thường bao gồm đầu, cổ, phần giữa và đuôi đều bình thường.
4. Ngưỡng tham khảo của tinh dịch đồ theo WHO 2010
 Nhằm xác định ngưỡng tham khảo của tinh dịch đồ, nghiên cứu năm 2010 của WHO với 32 nhóm nghiên cứu thuộc 14 nước của 4 châu lục (Âu, Úc, Á, Mỹ) với 4500 người nam đã đưa ra bảng giá trị tối thiểu của tinh dịch đồ bình thường. Hiện nay hầu hết trung tâm trên toàn thế giới áp dụng theo tiêu chuẩn của WHO (2010).

5. Một số thuật ngữ chẩn đoán 
Aspermia: Không có tinh dịch 
Azoospermia: Không có tinh trùng trong tinh dịch 
Oligospermia: Thể tích xuất tinh thấp ( thể tích tinh dịch <1,5 ml) 
Oligozoospermia: Mật độ tinh trùng ít (mật độ tinh trùng <15 triệu/ml)
 Asthenozoospermia: Tinh trùng yếu (di động PR<32%) 
Teratozoospermia: Tinh trùng dị dạng 
Oligo-astheno-teratozoospermia: Tinh trùng ít, yếu, dị dạng 
Hematospermia: Tinh dịch có máu (có hồng cầu trong tinh dịch).
Nếu kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ bình thường thì có thể yên tâm. Nếu kết quả có bất thường, xét nghiệm sẽ cần phải được lặp đi lặp lại 2-3 lần trong 2-3 tháng để xác nhận việc bất thường này có liên tục hay không.
Cần chú ý thêm rằng tinh dịch đồ của một người bình thường có thể có kết quả một kết quả bất thường trong khoảng thời gian xét nghiệm khác nhau, do đó, chỉ một xét nghiệm tinh dịch duy nhất có ý nghĩa rất ít. Do có sự biến động tự nhiên về số lượng và chất lượng tinh trùng, nhiều bác sĩ yêu cầu kiểm tra hai hoặc ba mẫu trong khoảng 1-3 tuần.
Việc đo lường tất cả các phần của mẫu tinh dịch cho bác sĩ một số gợi ý về mức độ khả năng sinh sản. Kết quả lượng tinh trùng thấp không phải đồng nghĩa là không có cơ hội thụ thai. Một số người có số lượng tinh trùng thấp nhưng với khả năng chuyển động và hình dạng tinh trùng bình thường vẫn có thể thụ thai.

Đơn vị hỗ trợ sinh sản bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Quảng Trị được trang bị phòng lab hiện đại. Quý bệnh nhân có thể đến thăm khám và hướng dẫn cụ thể về xét nghiệm tinh dịch đồ cũng như các vấn đề hiếm muộn.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan, Đặng Quang Vinh, Nguyễn Thị Mai, Lê Thụy Hồng Khả, Trương Thị Thanh Bình. Thụ tinh trong ống nghiệm, NXB Y học, tr 41-58, tr 123-189
2. World Health Organization (1999). Laboratory manual for the examination of human semen and sperm- cervical mucus interaction. Cambridge: Cambridge University Press.
3. World Health Organization (2010). Laboratory manual for the examination and processing of human semen. Cambridge: Cambridge University Press
4. Pacey A (2006). Is quality assurance in semen analysis still really necessary? A view from the andrology laboratory. Hum Reprod 21:1105-1109.
5. SperooffL, Fritz M (2005). Male infertility. In: Speroff L, Fritz M , eds. Clinical Gynecologic Endocrinology and infertility. Lippincott Williams and Wilkins; 1135-74.
6. Cooper T, Noonan E, Eckardstein S, Auger J, Baker G, Behre H, Haugen T, Kruger T, Wang C, MbizvoM, Vogelsong K (2010). World Health Organization reference values for human semen characteristics. Human Reprod Update 16:231-45.
7. Gao J, Gao ES, Yang Q, Walker M, Wu JQ, Zhou WJ, Wen SW (2007). Semen quality in a residential, geographic and age representative sample of health Chinese men. Hum Repord 22:477-103.

Tác giả bài viết: Ths. Trần Trung Hoành - Khoa Phụ Sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây