Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

https://benhvientinh.quangtri.gov.vn


Những thay đổi sinh lý ở người cao tuổi

Con người chúng ta được sinh ra, lớn lên và sẽ đến một ngày già đi, đó là quy luật tất yếu của tự nhiên không thể thay đổi được. Có những cái có thể dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lưng gù. Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được. Sự già hóa sinh học bắt đầu từ giai đoạn trung niên và sau đó tăng dần theo hàng năm cho tới lúc mất. Quá trình lão hóa làm giảm khả năng thích nghi với môi trường sống, giảm dần chất lượng sống. Tuy rằng, chúng ta không thể thay đổi quy luật trên, nhưng việc nắm rõ những thay đổi sinh lý có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đặc biệt trong xu hướng già hóa dân số rất nhanh hiện nay trên toàn thế giới.

1. KHÁI NIỆM VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
     - Có rất nhiều khái niệm khác nhau về người cao tuổi. Trước đây, người ta thường dùng thuật ngữ “người già” để chỉ những người có tuổi, hiện nay “người cao tuổi” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Hai thuật ngữ này tuy không khác nhau về mặt khoa học song về tâm lý, “người cao tuổi” là thuật ngữ mang tính tích cực và thể hiện thái độ tôn trọng.
     - Theo quan điểm y học: Người cao tuổi là người ở giai đoạn già hóa gắn liền với việc suy giảm các chức năng của cơ thể.
     - Về mặt pháp luật: Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2010 quy định: Người cao tuổi là “Tất cả các công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên”.
     - Theo WHO: Người cao tuổi phải từ 70 tuổi trở lên.
     - Một số nước phát triển lại quy định người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Quy định ở mỗi nước có sự khác biệt là do sự khác nhau về lứa tuổi có các biểu hiện về già của người dân ở các nước đó khác nhau. Những nước có hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe tốt thì tuổi thọ và sức khỏe của người dân cũng được nâng cao. Do đó, các biểu hiện của tuổi già thường đến muộn hơn, nên việc quy định về tuổi của các nước đó cũng khác nhau.
     - Ngoài ra còn có khái niệm tuổi thật và tuổi sinh học: Cơ thể mỗi người không phải ai cũng phát triển đúng theo tuổi thật. Có một số người trẻ lâu, trong khi đó có một số người già rất nhanh hơn so với tuổi thật (tính theo năm sinh). Như vậy người già trước tuổi là người đó có tuổi sinh học lớn hơn tuổi thật. Tuổi sinh học có thể trẻ hoặc già hơn tuổi thật là còn tùy thuộc vào di truyền,bệnh lý, chế độ ăn và lối sống sinh hoạt hàng ngày. Trong cuộc sống nếu chúng ta tích lũy sai lầm quá nhiều sẽ dẫn đến già trước tuổi và nhiều bệnh xuất hiện sớm hơn so với tuổi sinh học. Ví dụ như người hút thuốc lá, da sẽ mau nhăn hơn so với người không hút thuốc cùng tuổi và giới. Người làm việc ngoài trời, thường phơi da ra ánh nắng gay gắt thì da sẽ lão hóa sớm hơn. Người hay lo âu, stress nhiều sẽ mau già hơn so với người sống lạc quan. Người có chế độ ăn hợp lý và thường xuyên hoạt động thể lực sẽ hạn chế bị mất cơ và loãng xương nên sẽ trẻ khỏe lâu. Một số người mắc hội chứng lão hóa sớm…
2. NHỮNG THAY ĐỔI SINH LÝ Ở NGƯỜI CAO TUỔI
2.1. HỆ TIM MẠCH 
2.1.1. Các biến đổi chính
     Tim tăng kích thước, chức năng co bóp của tim giảm, giảm khối lượng tuần hoàn, van tim xơ cứng, vôi hóa, hệ thống dẫn truyền xung điện trong tim rối loạn, hệ động mạch bị xơ vữa, hệ van tĩnh mạch suy dãn…
2.1.2. Các hậu quả
     - Giảm khả năng thực hiện các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức,
     - Lưu lượng máu giảm và các rối loạn nhịp tim có thể gây nên tình trạng chóng mặt, hồi hộp, khó thở…
     - Mắc các bệnh lý về van tim ( Hẹp, hở van tim), các bệnh cơ tim ( Cơ tim dãn, Dày cơ tim, Thiếu máu cục bộ cơ tim…), các bệnh lý về mạch máu (Tăng huyết áp, Động  mạch vành, mạch máu não, mạch máu chi...)
2.1.3. Hướng khắc phục
     - Luyện tập thường xuyên không đủ để ngăn ngừa đồng thời cả lão hóa hệ tim mạch và bệnh tim mạch nhưng luyện tập có thể làm giảm cholesterol từ đó giảm xơ cứng và xơ vữa động mạch.
     - Luyện tập cũng làm giảm huyết áp và giảm cân từ đó giảm mức độ gắng sức cho tim. Người già cũng nên chú ý tưới cường độ vận động nghĩa là nên bắt đầu vận động một cách từ từ cho đến khi cơ thể đã thích nghi với cường độ vận động mới.
     - Các đánh giá thường xuyên về tình trạng tim mạch được khuyến cáo để dự đoán sớm các biến đổi bệnh lý, khi mà họ còn tuân thủ điều trị. Vì hệ tim mạch là một trong những cơ quan trọng trọng nhất của cơ thể nên hoạt động chức năng hiệu quả của nó rất quan trọng.
2.2. HỆ HÔ HẤP 
2.2.1. Các thay đổi chính
     -  Giảm dung tích sống (VC), phổi có xu hướng kém đàn hồi, hạn chế chức năng trao đổi khí.
     - Khả năng hấp thụ oxy vào máu động mạch ở người có tuổi cũng giảm, ảnh hưởng tới việc cung cấp oxy cho mô
     -  Thông khí tối đa giảm rõ ở người cao tuổi phản ánh dự trữ hô hấp giảm, lồng ngực kém di động hơn tạo lực cản lớn làm giảm hiệu quả hô hấp,
     - Giảm sút đáng kể số lượng các lông mao trên bề mặt đường dẫn khí. Những cấu trúc dạng lông này giữ vai trò quan trọng trong việc cảnh báo người già trước các dị vật đường thở như thức ănđặc biệt ảnh hưởng nhiều ở các đối tượng có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp, hút thuốc lá…,
     - Hơn nữa, nhiều người cao tuổi có giảm phản xạ ho do thay đổi sinh lý hệ thần kinh. Khi 2 tình trạng trên kết hợp với nhau người cao tuổi sẽ có nguy cơ cao bị nghẹn, hít phải thức ăn cũng như viêm phổi tiến triển hay các bệnh lý khác của đường hô hấp. 
2.2.2.Hậu quả
     Thường khó thở, thiếu không khí, ảnh hưởng tới hoạt động chung, đặc biệt các hoạt động có gắng sức, từ đó dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống. khi chức năng hô hấp nó cũng dần ảnh hưởng tới các cơ quan khác ( Não, tim…)
2.2.3. Hướng khắc phục:
     - Tạo cho người già một môi trường sống lành mạnh, không tiếp xúc với các yếu tố độc hại ( khói thuốc lá, ô nhiễm không khí…)
     - Thường xuyên tập luyện,  có các hoạt động phù hợp với tình trạng hô hấp của bệnh nhân
     - Dinh dưỡng hỗ trợ cũng có vai trò quan trọng trong việc cải thiện hô hấp cho người cao tuổi
2.3. HỆ TIÊU HÓA 
2.3.1. Các thay đổi chính
     - Người già gặp khó khăn trong nhai và nuốt thức ăn, ít được chăm sóc răng miệng kĩ lưỡng từ khi còn trẻ,
     - Các vấn đề viêm lợi, bệnh quanh răng, rụng răng và tăng cảm giác răng trở nên rất phổ biến. Giảm nhu động thực quản làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn qua ống tiêu hóa dẫn tới người già phải nhai lâu hơn và ăn chậm hơn. 
     Giảm nhu động ruột, giảm tiết dịch vị dạ dày gây giảm hấp thu chất dinh dưỡng

     - Giảm nhu động của đại tràng cản trở thức ăn di chuyển trong phần còn lại của ống tiêu hóa và đi ra ngoài cơ thể. 
     Tăng thời gian lưu thông của khối thức ăn trong ruột làm tái hấp thu nước nhiều hơn dẫn tới tỉ lệ táo bón gia tăng ở người cao tuổi

2.3.2. Hậu quả
     - Tình trạng dinh dưỡng giảm sút: Gầy yếu, suy kiệt,
     - Táo bón, hoặc đại tiện không tự chủ
2.3.3. Hướng khắc phục
     - Chế độ ăn giàu chất xơ và đẩy đủ thành phần, đủ nước và luyện tập thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa và điều trị các rối loạn tiêu hóa thường gặp
     - Với bệnh nhân không đủ minh mẫn, cần phải luyện tập thói quen đi ngoài.
2.4. HỆ TIẾT NIỆU 
2.4.1. Các thay đổi chính:
     - Thận mất đi một lượng lớn các đơn vị lọc (nephron) và cầu thận
     - Mối liên hệ bàng quang - thần kinh giảm, Trương lực và khối lượng bàng quang cũng giảm sút
     - Tăng sinh tuyến tiền liệt
2.4.2. Hậu quả:
     - Giảm mức lọc cầu thận
     - Rối loạn về tiểu tiện: Tiểu không tự chủ, hay bí tiểu, tiểu đêm, tiểu khó…
     - Dễ mắc các bệnh lý như nhiễm trùng đường tiểu
2.4.3. Hướng khắc phục:
     - Chế độ uống đủ nước,luyện tập thể dục, tránh các loại đồ ăn uống, thuốc, có ảnh hưởng tới chức năng thận
     - Thường xuyên theo dõi bằng các xét nghiệm về chức năng thận, nước tiểu, để phát hiện và điều chỉnh những rối loạn sớm
2.5. HỆ CƠ XƯƠNG KHỚP
2.5.1. Các thay đổi chính:
     - Giảm khối lượng xương diễn ra dưới dạng mất calci xương
     - Khối lượng từng đơn vị cơ của các nhóm cơ lớn cũng giảm dần theo thời gian
     - Dịch khớp giảm, tình trạng thoái hóa khớp tăng dần theo tuổi
2.5.2. Hậu quả:
     - Xương trở nên giòn và yếu, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương ở người già.
     - Hạn chế khả năng vận động do thoái hóa khớp, đau khớp
2.5.3. Hướng khắc phục:
     - Tập thể dục rất cần thiết để duy trì sức khỏe tuổi già, có thể tạo ra những ảnh hưởng tích cực lên người cao tuổi bao gồm khả năng duy trì sức mạnh và sức dẻo dai của hệ cơ xương khớp suốt những năm tháng tuổi già. Tất cả người cao tuổi nên được khuyến khích để tìm một chương trình luyện tập mà họ ưa thích và có thể tham gia thường xuyên. Luyện tập thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa trên hệ cơ xương khớp. 
     - Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung 1 số sản phẩm hay thuốc để bảo vệ xương khớp: Chống loãng xương, bù canxi, tăng dịch khớp…
2.6. HỆ DA, LÔNG, TÓC, MÓNG 
2.6.1. Các thay đổi chính:
     - Da của người già thường mỏng và dễ tổn thương, Số lượng mô dưới da giảm khiến da khô và mất khả năng đàn hồi dẫn tới xuất hiện nhiều nếp nhăn
     - Các tuyến mồ hôi cũng giảm hoạt động dẫn tới mồ hôi được tiết ra ít hơn, Lớp cơ và mỡ dưới da bắt đầu teo nhỏ
     - Trong suốt quá trình lão hóa, móng tay và móng chân trở nên dày và giòn.
     - Tóc người già có thể bạc màu, mượt và mỏng nhưng mức độ thay đổi của từng người thì rất khác nhau
2.6.2. Hậu quả:
     - Những thay đổi này gây ảnh hưởng tới chất lượng sống của người già: trước tiên là khô da, một tình trạng làm người già không thoải mái và có thể dẫn tới rách da dù lực tác động rất nhỏ và khó liền sau đó.
     - Người già sẽ rất khó khăn trong việc tự chăm sóc móng cho mình
     - Người già sẽ có những Stress khi nghĩ đến tuổi già, luôn mong muốn giữ lại được tuổi thanh xuân nhưng lại không thể ngăn được sự thay đổi theo thời gian
2.6.3. Hướng khắc phục:
     - Sinh lão bệnh tử là một quy luật tự nhiên, mỗi chúng ta cần biết cách chấp nhận quy luật đó, từ đó có 1 thái độ tích cực, lạc quan, và thích nghi với những thay đổi của cơ thể
     - Có 1 chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng, uống đủ nước…
     - Thường xuyên tập luyện thể dục để cơ thể được khỏe mạnh, quan tâm việc tạo được giấc ngủ tốt,
7. HỆ SINH DỤC/SỨC KHỎE SINH SẢN
2.7.1. Các thay đổi chính
     - Ở cả đàn ông và phụ nữ, sự giảm nồng độ hormon trong cơ thể dẫn tới đáp ứng của mạch máu với các kích thích trở nên chậm chạp hơn, giảm ham muốn và hiệu quả trong quan hệ tình dục
     - Sự thay đổi về hình dáng cơ thể, các bộ phận sinh dục, mắc các bệnh mạn tính, tình trạng mất mát người bạn đời khi về già, và cả do quan niệm xã hội… là những yếu tố dẫn tới tình trạng hoạt động tình dục ở người già giảm đi nhanh chóng
2.7.2. Hậu quả
     Người ta thường quan niệm người già thì ít hoặc không còn ham muốn tình dục. Điều này dẫn tới việc không quan tâm đến những thay đổi sinh lý trong hệ sinh dục – sinh sản của người cao tuổi. Hơn nữa. vấn đề tế nhị này dẫn đến hàng loạt những sai lầm trong đánh giá hệ sinh dục – sinh sản và hệ quả là ít người thực sự hiểu về các thay đổi sinh lý của hệ cơ quan đặc thù này. Rất nhiều các bệnh lý như ung thư phụ khoa hoặc yếu sinh lý đã bị bỏ sót và không được điều trị kịp thời. 
2.7.3. Hướng khắc phục
     Cần nhớ rằng bất chấp những quan niệm phổ biến xưa cũ, tình dục vẫn tiếp tục tỏ rõ vai trò của nó trong đời sống của con người kể cả khi họ đã bước vào tuổi xế chiều. Nhu cầu tình dục của người già cũng cần phải được quan tâm một cách bình đằng như các thay đổi sinh lý khác.
8. CÁC GIÁC QUAN
2.8.1. Các thay đổi chính:
     Giảm chức năng của các giác quan: Mắt nhìn mờ, tai nghe kém, mũi ngửi không tốt, rối loạn vị giác…
2.8.2. Hậu quả:
     Người cao tuổi có nguy cơ bị những bệnh như đục thể thủy tinh hay tăng nhãn áp. Giảm khả năng trao đổi thông tin, giảm chất lượng trong việc tiếp nhận thức ăn do giảm khứu giác, vị giác
2.8.3. Hướng khắc phục:
     - Khám bệnh định kỳ
     - Sử dụng các thiết bị hỗ trợ: Kính, tai nghe,…
9.  HỆ THẦN KINH – NỘI TIẾT
2.9.1. Các thay đổi chính:
     - Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thường gặp của người cao tuổi, do tổn thương não, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
     -  Giảm trọng lượng của não, thay đổi tỉ trọng của chất xám với chất trắng, tổng lượng neuron cũng giảm mạnh và số lượng mảng lão hóa cũng tăng lên. Những người già cũng thường có giảm tưới máu não
     - Hoạt động nội tiết gắn liền với hoạt động thần kinh, quá trình lão hóa hệ nội tiết diễn ra sớm nhất là suy giảm hoạt động của tuyến ức, sau đó đến tuyến sinh dục, tuyến giáp, tuyến tụy, cuối cùng là tuyến yên và thượng thận. Dễ nhận thấy nhất là thời kỳ mãn sinh dục.
2.9.2. Hậu quả:
     - Một số người cao tuổi bị cho là “ lẩm cẩm “ và “ chậm chạp “. Suy giảm trí nhớ cũng phổ biến ở người cao tuổi nhưng lại bị nhầm lẫn thành sa sút trí tuệ
     - Thay đổi chức năng nội tiết làm thay đổi khả năng phản ứng và thích nghi của cơ thể đối với các stress thông thường. 
2.9.3. Hướng khắc phục:
     Người già nên được khuyến khích để tham gia và các hoạt động nhận thức như làm việc, chơi trò chơi hoặc học một khóa ngắn hạn. Duy trì trí tuệ minh mẫn  được cho là một tiêu chí đánh giá sự thành công của tuổi già 
TÓM TẮT 
     Như vậy, chúng ta thấy khi về già, các cơ quan có những biến đổi nhất định, và diễn ra đồng thời với nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Việc phân tích, phân biệt giữa những biến đổi sinh lý và bệnh lý để có biện pháp hỗ trợ phù hợp là rất quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi trong giai đoạn dân số ngày càng già hóa như  hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Những biến đổi sinh lý thường gặp ở người cao tuổi/ TS. Hồ Thị Kim Thanh/ Bệnh viện Lão khoa Trung Ương
  2. Bệnh học lão khoa – Từ đại cương đến thực hành lâm sàng/ GS. Phạm Khuê
  3. LÃO KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN/ Phạm Vũ Khánh
  4. BỆNH HỌC LÃO KHOA/ NGUYỄN VĂN TRÍ / NXB Y HỌC
  5. Physiologic Changes That Occur in Geriatric Patients/Megan Hebdon

Tác giả bài viết: Bs. Đặng Đình Nam – Khoa Nội Lão học

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây