Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại nhà (có thể áp dụng với các loại sốt siêu vi khác)

Hiện nay, Bộ Y Tế quy định bệnh COVID-19 điều trị tập trung theo 3 tầng tuỳ mức độ nặng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho COVID-19 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Với bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì việc giám sát theo dõi là chính, cách ly ca bệnh, tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. Bài viết này tập trung chủ yếu hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại nhà; Một số thuốc thông dụng điều trị triệu chứng cần có trong tủ thuốc gia đình; Một số dụng cụ để theo dõi bệnh; Cách phát hiện các dấu hiệu nặng; Những việc không nên làm; Cách cung cấp thông tin để bác sĩ tư vấn sức khoẻ.
 
*DIỄN BIẾN KHI BỊ BỆNH COVID-19
Sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2, thời gian ủ bệnh 2-14 ngày, sau đó là giai đoạn toàn phát 7-10 ngày: triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ; có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy; một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi. Nếu không có suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
+ Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm cúm và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần.
+ Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện...Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
+ Người lớn tuổi hoặc có bệnh nền có nguy cơ diễn tiến bệnh nặng và tử vong cao hơn người trẻ.
 
* CÁC BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM TẠI NHÀ
- Người bệnh cần đeo khẩu trang y tế, ở phòng có khu vệ sinh riêng; Thường xuyên vệ sinh các bề mặt và dụng cụ bằng chất sát khuẩn.
- Không dùng chung các đồ dùng sinh hoạt với người khác.
- Khi cần tiếp xúc, bảo đảm khoảng cách với người khác ≥ 2 mét.
- Nếu không mang khẩu trang thường xuyên được, nên che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.
- Người già và người có bệnh nền cần ở riêng, tránh tiếp xúc với người bệnh hoặc người có tiếp xúc với người bệnh (F1 có thể thành Fo).
 
* ĐIỀU TRỊ
CÁC BIỆN PHÁP THEO DÕI VÀ ĐIỀU TRỊ CHUNG:
- Nghỉ ngơi, tránh gắng sức; phòng ở cần được đảm bảo thông thoáng (mở cửa sổ, không sử dụng điều hòa), có thể sử dụng hệ thống lọc không khí (nếu có).
- Vệ sinh mũi họng, có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, xúc miệng họng bằng các dung dịch vệ sinh miệng họng thông thường hoặc nước muối pha loãng.
- Uống đủ nước: khi sốt, lượng nước mất qua mồ hôi thường kèm chất điện giải nên bổ sung bằng dung dịch Oresol (pha theo đúng hướng dẫn), nước trái cây bỏ thêm ít muối hoặc nước cháo loãng. Không để khát mới uống, uống tối thiểu 2-3 lít/ngày, có thể đánh giá việc thiếu nước qua biểu hiện môi khô, tiểu đậm màu, nước tiểu ít. Nếu là trẻ nhỏ, cho bú càng nhiều càng tốt.
- Đảm bảo dinh dưỡng như người bình thường.
- Vận động: một trong những cơ chế gây bệnh quan trọng của COVID-19 là tăng đông, dễ dẫn đến tắc mạch. Người bệnh cần duy trì vận động, tập thể dục nhẹ mỗi 30 phút để dự phòng huyết khối tĩnh mạch.
- Người bệnh nên duy trì kết nối, chia sẻ vấn đề sức khoẻ của mình với người thân và bạn bè. Tự phát hiện các rối loạn lo âu quá mức, buồn phiền,…chia sẻ với người khác để được hỗ trợ.
HẠ SỐT – GIẢM ĐAU:
(Sốt nghĩa là nhiệt độ cơ thể từ 38°C trở lên = nhiệt độ đo được ở trực tràng và tai hoặc trên 37.5 °C khi đo ở miệng, nách và trán)
- Hạ sốt bằng vật lý (khi sốt đến đỉnh, bắt đầu ra mồ hôi): dùng khăn ngâm nước ấm vắt khô rồi lau trán, cổ, nách, bụng, bẹn. Hơi nóng giúp giãn mạch ngoại biên để tăng thải nhiệt. Lập lại cho đến khi sốt dưới 38°C
- Hạ sốt bằng thuốc khi sốt tử 38.5°C , chỉ dùng ngắn ngày để giảm triệu chứng đau và sốt; có thể dùng một trong các thuốc sau:
+ Paracetamol (còn có tên gọi khác là Acetaminophen) là thuốc thông dụng nhất; Trẻ em dùng liều 10-15 mg/kg/lần (uống hoặc nhét đít), không quá 60 mg/kg/ngày. Người lớn uống 500mg mỗi 4-6 giờ, không quá 4 gam/ngày.
Thận trọng nếu bệnh nhân có bệnh gan, nghiện rượu. Theo khuyến cáo của FDA liều acetaminophen an toàn cho bệnh xơ gan không nghiện rượu 2-3 g/ngày dùng trong thời gian ngắn, nghiện rượu ≤ 2g/ngày.
Nếu dị ứng với Paracetamol, thuốc giảm đau hạ sốt khác có thể dùng là Ibuprofen hoặc Aspirin.
+ Ibuprofen (không sử dụng cho bệnh nhân suy thận, suy gan, bệnh tim mạch hoặc loét dạ dày tiến triển)
Liều thông thường cho người lớn là uống (không nhai) 200mg – 400mg x 3 lần một ngày. Liều tối đa 600mg x 4 lần một ngày.
+ Aspirin (Không dùng cho trẻ em, người đang bị xuất huyết, loét dạ dày)
Liều dùng Aspirin thường là 300 – 650 mg, uống thuốc hay đặt thuốc theo đường trực tràng (tuỳ dạng bào chế) khoảng 4 – 6 giờ 1 lần với hàm lượng không vượt quá 4g Aspirin 1 ngày.
Thuốc Aspirin và Ibuprofen làm tăng nguy cơ loét dạ dày và xuất huyết dạ dày nên cần phối hợp thuốc bảo vệ dạ dày.
- Giảm ho bằng các biện pháp không thuốc như uống nước ấm có pha mật ong, chanh hấp đường phèn. Ho là một phản xạ tự nhiên có lợi của cơ thể nhằm tống xuất đờm nhầy dư thừa cũng như các tác nhân gây kích thích khác khỏi cơ thể, do đó việc giảm ho không hẳn là một điều nên làm.
- Nên duy trì các thuốc điều trị bệnh nền (nếu có). Hầu hết các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường đều an toàn khi bị nhiễm COVID-19. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về bệnh nền của mình.
* CÁC DỤNG CỤ CẦN THIẾT ĐỂ THEO DÕI BỆNH
Nhiệt kế thuỷ ngân hoặc điện tử (chú ý hiện nay có rất nhiều loại nhiệt kế điện tử chất lượng kém, sai số nhiều)
Máy đo huyết áp cơ hoặc điện tử (nên mua loại điện tử nếu tự chăm sóc hoặc không có kinh nghiệm dùng máy cơ)
Máy đo nồng độ bão hoà oxy – SpO2 (chỉ cần mua loại nhỏ, rẻ tiền – nếu mua trên mạng nên chọn loại có nhiều người đánh giá tốt). Hiện không có khuyến cáo tự theo dõi SPO2 tại nhà, tuy nhiên một số bệnh nhân có nồng độ Oxy máu thấp dù không không có triệu chứng.
* CÁC DẤU HIỆU BỆNH TRỞ NẶNG CẦN NHẬP VIỆN (Bệnh không còn nhẹ)
Hầu hết bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam hiện nay đều được điều trị tại cơ sở y tế, những bệnh nhân được điều trị ổn định và có xét ngiệm có tải lượng virus thấp (CT≥30) sẽ được theo dõi tại nhà. Những bệnh nhân chưa kịp thu dung điều trị hoặc người bệnh không có triệu chứng có thể diễn tiến nặng, cần liên hệ gấp với cơ sở y tế để được hỗ trợ. Các biểu hiện nặng bao gồm:
Khó thở: thở nhanh (nhịp thở ≥ 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng; ≥ 50 lần/phút ở trẻ từ 2 - 11 tháng; ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 1 - 5 tuổi; >20 lần/phút với người lớn). Thở rít. Co kéo cơ hô hấp (cơ ngực, bụng, cổ)
Tức ngực liên tục
Đuối sức, không đi lại được, không ăn uống được
Da tái nhợt.
Hôn mê, co giật
SPO2 dưới 96% khi thở khí trời
Huyết áp thấp (Huyết áp trung bình dưới 65mmHg).
Huyết áp trung bình động mạch = áp huyết tâm trương + 1/3(áp huyết tâm thu – áp huyết tâm trương)
Lấy ví dụ cách tính huyết áp trung bình. Khi đo huyết áp máy báo 120/70, nghĩa là:
Áp huyết tâm thu: 120mmHg
Áp huyết tâm trương: 70mmHg
Như vậy, huyết áp trung bình động mạch ước lượng = 70 + 1/3(110-70)= 83mmHg
* NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
Không nên tự điều trị tại nhà khi có biểu hiện nặng, vì bệnh có thể diễn tiến rất nhanh.
Không nên nghe vào tin đồn, tự mua và sử dụng các loại máy tạo oxy, các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thực phẩm chức năng, vitamin,…
Không để người lớn tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai ở chung nhà với người bệnh COVID-19 khi chưa chủng ngừa vaccin.
Không nên tự ý điều chỉnh hoặc ngưng các thuốc điều trị các bệnh mãn tính khi chưa có ý kiến của bác sĩ
* CẦN CUNG CẤP THÔNG TIN GÌ KHI MUỐN BÁC SĨ TƯ VẤN?
Thông tin về bệnh nền đang có (gồm hình chụp giấy ra viện, các xét nghiệm, đơn thuốc).
Tình trạng hiện tại
Vấn đề khiến mình lo lắng hiện nay là gì?
Cần tư vấn về vấn đề gì?
Có thể điện trực tiếp cho bác sĩ của bạn, hoặc nhắn tin đầy đủ các thông tin trên, bác sĩ sẽ thu xếp trả lời giúp bạn.
  Thông tin chi tiết
Tên file:
Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại nhà (có thể áp dụng với các loại sốt siêu vi khác)
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
N/A
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Giai đoạn 2
Gửi lên:
25/07/2021 09:44
Cập nhật:
25/07/2021 10:01
Người gửi:
hoanganh
Thông tin bản quyền:
N/A
Dung lượng:
283.63 KB
Xem:
3208
Tải về:
50
  Tải về
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây