tin tuc

Rối loạn giấc ngủ

Thứ hai - 28/12/2020 21:03
1. TỔNG QUAN VỀ GIẤC NGỦ VÀ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
1.1. Tìm hiểu chung
- Ngủ là một hành vi có ở tất cả các loài động vật từ côn trùng cho đến động vật có vú. Giấc ngủ là một trong những hành vi phổ biến nhất của con người một người trung bình bỏ ra 1/3 cuộc đời để ngủ. Mặc dù chức năng chính xác của giấc ngủ đến nay vẫn chưa được biết rõ, nhưng rõ ràng là giấc ngủ rất cần thiết cho con người. Những trường hợp mất ngủ sẽ dẫn đến các bệnh cơ thể nghiêm trọng, rối loạn nhận thức nặng nề cuối cùng dẫn đến tử vong. Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lâm sàng tâm thần rối loạn giấc ngủ gặp trong tất cả các bệnh tâm thần là một trong những chẩn đoán hay gặp nhất.
- Rối loạn giấc ngủ là một chứng rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Trong 1 năm, có tới 30-45% số người lớn bị rối loạn giấc ngủ. Đây là một con số rất lớn khi tính đến dân số Việt Nam là gần 90 triệu người.
- Rối loạn giấc ngủ thể chỉ triệu chứng duy nhấtcủa bệnh, gặp trong mất ngủ tiên phát; hoặc một triệu chứng trong các bệnh tâm thần khác như trầm cảm, lo âu  lan tỏa, tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, nghiệnrượu…
- Dù do nguyên nhân gì đi chăng nữa thì rối loạn giấc ngủ (đặc biệt là mất ngủ) sẽ ảnh hưởng trầm trọng tới sức khoẻ, khả năng lao động và học tập của bệnh nhân. Đó chính là lý do chủ yếu khiến bệnh nhân phải đi khámbệnh. Nhìn chung, các rối loạn giấc ngủ dù là tiên phát hay thứ phát đều tiến triển mạn tính, vì thế phải điều trị kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí kéo dài suốt đời.
1.2. Sinh lý giấc ngủ
- Giấc ngủ phân thành hai loại: Ngủ không có vận nhãn cầu nhanh (NREM) Ngủ có vận động nhãn cầu nhanh (REM).
- Ở Trẻ em:
+ Giấc ngủ nhanh (REM: rapid eye movement: cử động mắt nhanh) Đây là giấc ngủ nông, trẻ sẽ nằm mơ và mắt sẽ cử động nhanh theo chiều trước sau. Mặc dù trẻ nhỏ ngủ khoảng 16 giờ mỗi ngày, nhưng khoảng phân nửa thời gian là giấc ngủ REM. Đây là giai đoạn ngủ mà NÃO PHÁT TRIỂN, còn gọi là 'ngủ động' (active sleep): khi ngủ mơ và đôi khi có nhiều cữ động hoặc biểu cảm trên mặt và cơ thể.
+ Giấc ngủ chậm (Non - REM: Non- rapid eye movement: không cử động mắt nhanh). Có 4 giai đoạn:
  •  Giai đoạn 1: buồn ngủ - mí mắt sụp xuống hay có thể chớp liên tục, ngủ gà ngủ gật.
  •  Giai đoạn 2: ngủ lơ mơ – trẻ có thể vẫn cử động, giật mình, vặn mình, kêu “è è”
  •  Giai đoạn 3: ngủ sâu – trẻ im lặng và không cử động
  •  Giai đoạn 4: ngủ rất sâu - trẻ im lặng và không cử động
+ Mỗi giấc ngủ của trẻ sơ sinh có khoảng 60% thời gian của giấc ngủ là ở trạng thái 'ngủ động' (trẻ vặn mình, thay đổi tư thế, uốn éo, nhăn mặt, khóc nhưng vẫn ngủ). Tương ứng với mức độ trưởng thành của não (> 5 tuổi), tỉ lệ 'ngủ động' trong giấc ngủ sẽ giảm dần còn khoảng 20% thời gian của giấc ngủ, và 80% là ngủ yên.
- Ở người trưởng thành: Giấc ngủ ở người trưởng thành có nhiều sự khác biệt, giấc ngủ có cấu trúc chu kỳ với sự xen kẽ các giai đoạn giấc ngủ chậm sâuNon-REM (giai đoạn I, II, III, IV) và giai đoạn giấc ngủ REM.
+ Giai đoạn I của Non-REM : giấc ngủ chậm, nông, sự chuyển tiếp từ buồn ngủ sang ngủ. Điện não đồ cho thấy các hoạt động sóng theta (2-7 chu kỳ/giây) Chuyển động nhãn cầu chậm. Trong giai đoạn II: giấc ngủ chậm, nông Điện não đồ sóng theta với những chuỗi sóng nhanh và phức hợp K, giai đoạn I và II chiếm 50% tổng thời lượng ngủ mỗi đêm. Giai đoạn III: giấc ngủ chậm sâu, điện não đồ sóng delta (sóng chậm 0,5 – 2 chu kỳ/giây). StageIV: giấc ngủ chậm sâu, giai đoạn giấc ngủ sâu nhất Hoạt động delta chiếm >50% trên EEG StageIII và IV chiếm 25% thời lượng của giấc ngủ mỗi đêm. Sau khi pha ngủ sâu kết thúc, người ngủ quay lại giai đoạn 2 và rồi đi vào trạng thái REM. Thường giai đoạn ngủ REM sẽ xuất hiện trong khoảng 70-90 phút sau khi ngủ. Thời lượng REM sẽ dài hơn vào ban đêm và khi trời gần sáng.Trong giai đoạn này, người ngủ có cằm thả lỏng nhưng mặt cũng như các ngón tay, ngón chân lại xoắn vặn. Nam giới có thể cương cứng dương vật, nữ giới có thể bị cương tụ máu âm vật. Tuy nhiên, các cơ lớn hoàn toàn bị liệt và hầu như không thể cử động được thân mình, chân và tay.
+ Sóng điện não nhỏ và không đều đặn với hàng loạt các hoạt động của mắt. Trong nhiều trường hợp sóng não đồ giống hệt như lúc thức.
+ Các hoạt động cơ thể tăng lên một cách đáng kể: huyết áp dao động nhưng có thể tăng đáng kể, mạch tăng không đều và người ngủ phải đối mặt với những vấn đề về tim mạch và có nguy cơ cao của cơn đau thắt ngực. Thở không đều và tăng mức tiêu thụ oxy. REM chính là chu kỳ mà các giấc mơ xuất hiện. Trong mỗi đêm có 3 đến 5 chu kỳ ngủ tuần tự diễn ra.
1.3. Chức năng của giấc ngủ
Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, người ta đã kết luận rằng các chức năng của cơ thể đều giảm đi trong giấc ngủ sâu. Nhờ giấc ngủ NREM mà cơ thể sau khi tập thể dục nặng sẽ có điều kiện điều hoà lại quá  trình  chuyểnhoá.
1.4. Cản trở giấc ngủ
Nếu con người không được ngủ trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn định hướng, ảo giác và hoang tưởng. Nếu một người bị ngăn không cho ngủ REM bằng cách đánh thức dậy khi bắt đầu ngủ REM sẽ gây tăng số giai đoạn ngủ REM và thời gian ngủ REM của họ sẽ kéo dài khi người này được ngủ thoải mái mà không bị đánh thức nữa.
1.5. Nhu cầu ngủ
- Nhu cầu ngủ của con người không giống nhau. Một số người chỉ cần ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm, trong khi một số người khác lại cần ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi đêm. Những người ngủ nhiều thường nhiều giai đoạn ngủ REM  và thời gian ngủ mỗi giai đoạn ngủ REM dài hơn so với người ngủngắn.
- Giấc ngủ tăng lên khi người ta lao động thể lực, tập thể dục, bị ốm, có thai, bị căng thẳng tâm lý hoạt động tâm thần nhiều. Giai đoạn ngủ REM tăng khi có các kích thích tâm lý như các khó khăn trong học tập, các căng thẳng tâm lý, sử dụng các thuốc gây giảm tiết các chất dẫn truyền thần kinh trongnão.
1.6. Nhịp thức-ngủ
- Do ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau như chu kỳ ngày-đêm, hoạt động hàng ngày và các yếu tố khác khiến chu kỳ hoạt động thực tế của con người là 24 giờ. Giấc ngủ cũng có chu kỳ 24 giờ. Trong 24 giờ, người lớn cần ngủ 1 lần, đôi khi là 2 lần (ngủ tối ngủ trưa). Chu kỳ thức-ngủ chưa có ngay ở trẻ sơ sinh, nhưng sẽ dần dần hình thành trong 2 năm đầu cuộc đời. Một số phụ nữ có sự thay đổi chu kỳ thức-ngủ khi có kinhnguyệt.
- Các giấc ngủ chợp mắt (giấc ngủ ngắn như ngủ trưa) có thể gây thay đổi tỷ lệ giấc ngủ REM NREM. Nếu một người được ngủ chợp mắt buổi sáng buổi trưa sẽ gây tăng giấc ngủ REM buổi tối, nhưng nếu họ có giấc ngủ chợp mắt vào buổi chiều hoặc đầu giờ buổi tối lại gây giảm giấc ngủ REM.
2. RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Ngày nay, người ta phân rối loạn giấc ngủ thành 3 loại: Rối loạn giấc ngủ tiên phát, rối loạn giấc ngủ thứ phát và rối loạn cận giấc ngủ.
- Rối loạn giấc ngủ tiên phát: là rối loạn thời gian ngủ, có thể mất ngủ và ngủ nhiều.
+ Mất ngủ: là rối loạn về số lượng và chất lượng giấc ngủ.
+ Ngủ nhiều: là ngủ quá nhiều so với bình thường.
- Rối loạn giấc ngủ thứ phát: là mất ngủ hoặc ngủ nhiều do hậu quả của bệnh tâm thần hay bệnh thực tổn.
- Rối loạn cận giấc ngủ: là các hành vi bất thường xảy ra trong lúc ngủ hoặc lúc chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái đánh thức.
    1. Rối loạn giấc ngủ tiên phát:
      1. Rối loạn thời gian ngủ:
- Mất ngủ tiên phát:  là khi bệnh nhân đến với bác sỹ vì không ngủ được, khó vào giấc ngủ hoặc khó giữ giấc ngủ, các triệu chứng này cần xảy ra 3 lần mỗi tuần, kéo dài ít nhất 3 tháng. Mất ngủ tiên phát không liên quan đến các bệnh lý thực tổn hoặc bệnh tâm thần hay sử dụng chất khác. Mất ngủ tiên phát được đặc trưng bởi 2 dấu hiệu: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc.
- Bệnh sinh rối loạn giấc ngủ: Đến nay, chúng ta đã chứng minh được vai trò của serotonin đối với giấc ngủ, trong mất ngủ tiên phát, nồng độ serotonin ở khe Si-náp và trong dịch nào – tủy giảm rõ rệt so với người bình thường. Theo các nghiên cứu trên thế giới, mất ngủ tiên phát hay trầm cảm nguyên nhân đều suy giảm nồng độ serotonin trong tổ chức não.
- Mất ngủ do tâm lý: Bệnh nhân hay khó vào giấc ngủ, có thể kéo dài nhiều năm, họ thừa nhận có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ như phòng ngủ, giường ngủ, hay chỉ là một tiếng động lặp đi lặp lại mỗi ngày khi bệnh nhân chuẩn bị đi ngủ. Chúng ta có thể nói mất ngủ do tâm lý được coi là mất ngủ có điều kiện. Mất ngủ do tâm lý thường phối hợp:
+ Stress.
+ Rối loạn lo âu.
+ Lạm dụng thuốc ngủ.
+ Hội chứng cai.
2.1.2. Rối loạn cảm giác giấc ngủ: Bệnh nhân vẫn ngủ được nhưng không cảm nhận được giấc ngủ, bệnh nhân luôn nói rằng mình ngủ không được nhưng thực tế thì họ vẫn ngủ được. Nguyên nhân khách quan là do quá trình điều trị không đầy đủ của trầm cảm và lo âu lan tỏa gây ra.
- Ngủ nhiều tiên phát: Là người lớn, ngủ quá 10 giờ mỗi ngày, kéo dài ít nhất 1 tháng mà không có nguyên nhân gì. Thời gian ngủ của bệnh nhân kéo dài nhưng điện não đồ và sinh lý giấc ngủ của họ trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân không than phiền về chất lượng giấc ngủ, nhưng việc ngủ ngày và khó tỉnh táo vào buổi sang ảnh hưởng xấu đến cảm xúc, vận động và công việc của họ. Ngủ nhiều có thể xuất hiện vào một thời điểm trong đời và có tính chất gia đình.
2.2. Rối loạn giấc ngủ thứ phát:
- Rối loạn giấc ngủ thường liên quan đến hô hấp, tim mạch, một số bệnh lý da liễu, sản phụ khoa…vv.
- Rối loạn giấc ngủ liên qua đến bệnh lý tâm thần.
      1. Rối loạn cảm xúc:
- Trầm cảm: Rối loạn giấc ngủ trong trầm cảm liên quan đến giới tính, tuối, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế văn hóa, yếu tố môi trường, thiếu serotonin, hay giảm noradrenalin. Ở những bệnh nhân trầm cảm, rối loạn giấc ngủ thường là mất ngủ, mất ngủ kèm theo các tiêu chuẩn chẩn đoán ICD 10,
+ Có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu là:
  • Khí sắc trầm cảm.
  • Mất mọi quan tâm và thích thú.
  • Giảm năng lượng dẫn đến mệt mỏi và giảm hoạt động.
+ Có ít nhất 3 triệu chứng phổ biến khác là:
  • Giảm tập trung chú ý.
  • Giảm tự trọng và lòng tự tin.
  • Những ý tưởng bị tội và không xứng đáng.
  • Nhìn tương lai ảm đạm và bi quan.
  • Có ý tưởng và hành vi tự sát.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Ăn không ngon miệng.
+ Chú ý:
  • Thời gian tồn tại ít nhất là 2 tuần.
  • Không phải là hậu quả của nghiện rượu, ma túy, chấn thương sọ não.
-  Hưng cảm: Do thừa dopamin ở khe xi náp thần kinh tại vỏ não được coi là nguyên nhân gây ra cơn hưng cảm. Ở nhưng bệnh nhân hưng cảm:
+ Khí sắc tăngkhí sắc tăng trong một giai đoạn hưng cảm biểu hiện là hưng phấn, phấn khích và vui sướng quá mức. Khí sắc tăng biểu hiện bền vững hầu như cả ngày, bệnh nhân mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục và trong nghề nghiệp.
Tự cao: bệnh nhân đề cao mình quá mức, nếu nhẹ thì bệnh nhân giảm sự tự phê bình, nặng hơn thì bệnh nhân tự đề cao mình rõ ràng và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng. Bệnh nhân có thể nêu các ý kiến về các vấn đề mà họ không hề biết trước đây (ví dụ: lãnh đạo đất nước như thế nào).
Giảm nhu cầu ngủ: tất cả các bệnh nhân trong giai đoạn hưng cảm đều có mất ngủ. Thật ra, bệnh nhân không có nhu cầu ngủ như người bình thường, nghĩa là họ chỉ cần ngủ 1-2 giờ mỗi ngày. Mặc dù bệnh nhân thức dậy rất sớm, nhưng họ không hề thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức vài ngày không cần ngủ mà không cảm thấy mệt mỏi gì.
Nói nhiều, nói nhanh: trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân thường có áp lực phải nói, giọng của họ to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Bệnh nhân có thể nói không ngừng suốt cả ngày, họ nói về mọi chủ đề. Thường thì họ đang nói về chủ đề này, họ nhảy ngay sang chủ đề khác.
Vui vẻ quá mức: bệnh nhân luôn biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan, nói cười huyên thuyên. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không.
Ý nghĩ nhanh: ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ, nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau. Một số bệnh nhân có giai đoạn hưng cảm cho rằng các ý nghĩ của họ xuất hiện chồng chéo đan xen lẫn nhau giống như chúng ta theo dõi đồng thời 2 hoặc 3 chương trình tivi.
Phân tán chú ý: bệnh nhân mất khả năng tập trung chú ý. Họ không tập chung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài; do đó họ thường can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào, nói chuyện quá to hoặc di chuyển đồ đạc trong phòng.
Tăng hoạt động ưa thích: bệnh nhân thường tăng hoạt động quá mức cho một mục đích như nghề nghiệp, chính trị tôn giáo. Họ có thể mua sắm rất nhiều, vượt xa khả năng chi trả của họ, khiến họ tiêu rất nhiều tiền (mua hàng chục đôi giày, vô số quần áo...).
Bệnh nhân luôn nghĩ về tình dục và luôn mong muốn quan hệ tình dục. Vì vậy họ có thể dễ dàng nhận lời quan hệ tình dục với những người không quen biết.
Bệnh nhân có thể kích động hoặc vận động liên tục như đi đi, lại lại, nói chuyện với nhiều người.
+ Tiêu chuẩn chẩn đoán cho giai đoạn hưng cảm theo ICD- 10
  • Khí sắc tăng, kéo dài ít nhất 1 tuần
  • Có thêm ít nhất 4 triệu chứng sau:
    • Tăng tự tin hoặc tự cao
    • Giảm nhu cầu ngủ
    • Nói nhiều, nói liên tục
    • Bùng nổ ý nghĩ
    • Vui vẻ quá mức
    • Tăng hoạt động hoặc kích động tâm thần vận động
    • Tăng quá mức các hoạt động ưa thích
- Tâm thần phân liệt: Bệnh nhân tâm thần phân liệt có rối loạn giấc ngủ chủ yếu là mất ngủ, có thể mất ngủ hoàn toàn, nguyên nhân thường do sự chi phối của hoang tưởng (bị hại, bị theo dõi, bị chi phối), ảo giác (ảo thanh ra lệnh, xui khiến, bình phẩm) khiến bệnh nhân luôn trong tâm trạng hoang mang, hoảng hốt, lo lắng. Ở những bệnh nhân tâm thần phân liệt thường có rối loạn cảm xúc trầm cảm, hưng cảm. Nhưng đối với bệnh nhân xuất hiện hoang tưởng, ảo giấc trong tình trạng trầm cảm rất nặng và hết sớm hơn trầm cảm, khi đó ta kết luận bệnh nhân bị trầm cảm có triệu chứng loạn thần.
- Nghiện rượu và ma túy: Rối loạn giấc ngủ ở bệnh nhân nghiện rượu, ma túy thường là mất ngủ giống như những bệnh khác, tuy nhiên bệnh nhân mất ngủ là do rượu, ma túy tác động lên thân kinh trung ương làm mất cân bằng giữa quá trình hưng phấn và kích thích. Mất ngủ có thể xuất hiện trong trạng thái say rượu, say ma túy hoặc trạng thái cai rượu và ma túy.      
2.3. Rối loạn cận giấc ngủ.
Bệnh nhân rối loạn cận giấc ngủ thường rối loạn xảy ra ở giai đoạn Non-REM và REM dẫn đến thức giấc trong khi ngủ.
+ Ác mộng: là những giấc mơ gây khó chịu, lo lắng mạnh mẽ khiến bệnh nhân phải thức giấc nhiều lần, nhiều ngày trong khi những người bình thường chỉ có ác mộng khi có các stress, ác mộng thường xảy ra trong giấc ngủ REM, đặc biệt là sau một giấc ngủ REM dài ở cuối đêm.
+ Hoảng hốt trong giấc ngủ: là những rối loạn hành vi trong giấc ngủ, bệnh nhân thét lên đột ngột hoặc khóc, hoảng sợ. Bệnh nhân thường vùng dậy khỏi giường với tình trạng sợ hãi, khác với ác mộng, bệnh nhân có rối loạn định hướng cả về không gian và thời gian, sau cơn hoảng hốt bệnh nhân ngủ tiếp và không nhớ những gì xảy ra trong cơn. Hoảng hốt trong giấc ngủ thường diễn ra ở 1/3 đầu giấc ngủ, trong giai đoạn ngủ Non-REM(Giai đoạn III, IV).
+ Miên hành (Mộng du): là những hành vi phức tạp diễn ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm Non-REM (Giai đoạn III, IV). Trong giai đoạn này bệnh nhân có thể làm chính xác các hành vi phức tạp như: mặc áo quần, nói chuyện, la hét, lái xe, các hành vi này thường kết thúc khi bệnh nhân thức giấc, hay gặp hơn là bệnh nhân quay lại giường ngủ tiếp mà không hề biết gì.
3. CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN GIẤC NGỦ
Rối loạn giấc ngủ thường do nhiều nguyên nhân và điều trị với thời gian dài, các bệnh lý có xu hướng mạn tính, chúng ta có nhiều phương pháp phòng bệnh và điều trị.
3.1. Thư giãn tâm lý: Đối với người khỏe mạnh, bình thường thì sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm.Nếu trong ngày có những vấn đề chưa giải quyết xong, hãy tạm gác lại. Không nên vừa nằm chờ giấc ngủ đến vừa nghĩ cách giải quyết những vấn đề. Khi lên giường ngủ, không nên suy nghĩ hay làm gì. Nếu không ngủ được, sau 10-15 phút, hãy đứng dậy và đi làm một việc khác.
3.2. Vệ sinh giấc ngủ
- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày: Dù có bị mất ngủ cũng chỉ nên nằm trên giường với thời gian bằng thời gian ngủ bình thường trước khi bị mất ngủ.
- Không sử dụng các chất kích thích (cà phê, trà, thuốc lá, rượu...) vào buổi chiều.
- Tránh ngủ nhiều ban ngày.
- Tập thể dục buổi sáng đều đặn (có thể tập những bài nặng).
- Tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe nhạc quá to, đọc sách quá hay, xem những phim đòi hỏi phải chú ý cao theo dõi sát sao...
- Trước khi đi ngủ khoảng 20 phút, nên tắm nước ấm.
- Tránh những bữa ăn quá thịnh soạn hay ăn quá nó gây khó tiêu gần giờ đi ngủ.
- Tập những bài thể dục nhẹ nhàng có tính chất thư giãn trước khi ngủ.
- Phòng ngủ cần thoáng khí, ít ánh sáng, không quá nóng hay quá lạnh.
- Phòng ngủ cần thoáng khí.
3.3. Dùng thuốc điều trị
- Có nhiều thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ như Benzodiazepine, zolpidem, chloral hydrate... nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có hội chứng lo âu hay trầm cảm đi kèm, nên phối hợp các loại thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ.
- Điều trị nội khoa bằng thuốc phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với ngủ nhiều: cần dùng thuốc kích thích vào buổi sáng như amphetamin nhưng hiện nay thuốc này bị cấm vì bị coi là ma túy. Trong trường hợp này, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân uống nước chè, cà phê để hạn chế cảm giác buồn ngủ hoặc thay bằng thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ loại chống trầm cảm ức chế chọn lọc thụ cảm thể serotonin (SSRI) như fluoxetin, sertralin....

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Tiến Đức Bùi Quang Huy Ngô Ngọc Tân và CS (2016) Bệnh học tâm thần, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân Hà Nội
2. Bùi Quang Huy (2007). Rối loạn lo âu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
3. Bùi Quang Huy (2008). Trầm cảm, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
4. Bùi Quang Huy (2008). Đặc điểm lâm sàng hoang tưởng, ảo giác của rôi loạn trầm cảm nặng có loạn thần. Tạp chí Y học thực hành, số 8 năm 2008, Hà Nội.
5. Bùi Quang Huy, Nguyễn Trọng Đạo (2016). Đánh giá hiệu quả điều trị sảng rượu bằng diazepam và vitamin B1 Tạp chí Y- dược học Quân sự, số 4 năm 2016, Hà Nội.
6. Bùi Quang Huy, Đinh Việt Hùng, Phùng Thanh Hải Tâm thần phân liệt— Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

 

Tác giả bài viết: Bs. Hoàng Đại Nhân – Khoa Tâm thần kinh

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây