tin tuc

Nhận biết dấu hiệu sớm suy thận và tầm soát bệnh thận

Thứ tư - 28/12/2022 01:42
Thận là cơ quan dễ tổn thương và dễ mắc các bệnh nguy hiểm. Suy thận là căn bệnh mà nhiều người lo ngại nếu không may mắc phải. Việc nhận biết sớm bệnh suy thận có vai trò rất quan trọng giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu suy thận mà bạn cần biết để kịp thời xử lý.
          1. Tổng quan về bệnh suy thận
Thận là 2 cơ quan vị trí ở sau lưng, nằm 2 bên cột sống và ở trên eo cơ thể chúng ta. Thận giúp con người duy trì sự sống. Cơ quan này có nhiệm vụ lọc máu nhằm loại bỏ các chất thải và lượng nước dư thừa, duy trì sự cân bằng của muối và chất điện giải có trong máu, hỗ trợ điều chỉnh huyết áp.Tại Hoa Kì, có khoảng 26 triệu người mắc bệnh thận mạn hoặc có albumin niệu đơn độc, phần lớn là do đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch. Ở Việt Nam, hiện tại chưa có thống kê một cách đầy đủ, tuy nhiên, số bệnh nhân bệnh thận mạn nhập viện hằng năm tăng cao, chủ yếu là bệnh thận mạn giai đoạn cuối với các biến chứng của nó. Tác giả Võ Phụng, Võ Tam và cộng sự khi nghiên cứu tại cộng đồng cho thấy tỉ lệ bệnh thận mạn trong dân là 0,92%.
Hình 1: Giải phẫu hệ tiết niệu
Hình 1: Giải phẫu hệ tiết niệu

1.1. Thế nào là bệnh suy thận?

Suy thận là hiện tượng thận bị suy giảm chức năng. Suy thận do nhiều nguyên nhân gây ra.
Suy thận được chia làm 2 loại dựa theo thời gian mắc bệnh bao gồm suy thận cấp và suy thận mạn. Việc nhận biết sớm những dấu hiệu suy thận sẽ giúp việc điều trị sau này dễ dàng hơn.

1.2. Suy thận có thể chữa được không?

Trường hợp mắc suy thận cấp sẽ xuất hiện chỉ khoảng vài ngày đến vài tuần và có thể khỏi bệnh hoặc khỏi 1 phần chức năng của thận sau khi được chữa trị đúng phương pháp trong vài tuần.
Trường hợp suy thận mạn là quá trình diễn tiến không khôi phục chức năng của thận. Việc áp dụng các biện pháp chữa trị chỉ giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giúp hạn chế biến chứng. Một khi thận bị suy giảm chức năng lên đến 90% thì bệnh nhân suy thận cần được chữa trị bằng cách chạy thận nhân tạo hay thẩm phân phúc mạc và có thể ghép thận nếu cần.
Đa phần những loại bệnh thận sẽ gây ra tác động đến các nephron - đơn vị cấu trúc của thận. Việc tác động này làm cho thận không còn khả năng đào thải các chất thải và nước ra bên ngoài. Nếu không được chữa trị kịp thời, thận sẽ ngưng hoạt động toàn bộ. Việc thận bị mất chức năng rất nguy hiểm và có thể gây ra tử vong.
Hình 2: Thận bị vô hiệu hóa chức năng có thể dẫn đến tử vong
Hình 2: Thận bị vô hiệu hóa chức năng có thể dẫn đến tử vong
Những biến chứng mà suy thận có thể gây ra gồm có:
  • Biến chứng tim mạch là nguyên nhân tử vong chính 40-60% như viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim, bệnh cơ tim do urê máu cao, tăng huyết áp, phì đại thất trái, bệnh mạch vành, viêm nôi tâm mạc nhiễm khuẩn, rối loạn nhịp tim
  • Rối loạn cân bằng nước điện giải và nhiễm toan máu có thể dẫn tới phù phổi cấp
  • Tăng lượng kali trong máu gây rối loạn nhịp tim ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Cơ thể bị thiếu máu.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Tổn thương ở hệ thần kinh trung ương khiến bệnh nhân mất khả năng tập trung, tính cách thay đổi hoặc xuất hiện co giật, thậm chí hôn mê
  • Suy giảm phản ứng miễn dịch khiến bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn
  • Loạn dưỡng xương: viêm xơ xương, nhuyễn xương và bệnh xương bất hoạt

2. Nguyên nhân gây ra bệnh suy thận

2.1. Nguyên nhân gây suy thận cấp

Một số nguyên nhân thường gặp gồm có:
  • Mất máu, mất nước
  • Tổn thương ở thận do nhiễm trùng huyết.
  • Bệnh lý cầu thận cấp
  • Thận bị tổn thương do sử dụng thuốc (Kháng sinh, NSAID, lợi tiểu, thuốc cản quang có iod,...) hoặc ngộ độc (mật cá trắm, thuốc nam,...)
  • Chấn thương thận
  • Các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiết niệu: Sỏi bể thận, sỏi niệu quản, U chèn ép, lao thận tiết niệu, giang mai, xơ hóa sau phúc mạc

2.2. Nguyên nhân gây suy thận mạn

  • Bệnh đái tháo đường, cao huyết áp.
  • Viêm cầu thận mạn
  • Viêm ống thận mô kẽ.
  • Mắc bệnh thận đa nang.
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu lâu dài, nguyên nhân do phì đại tiền liệt tuyến, bệnh sỏi thận và bệnh ung thư gây nên.
  • Trào ngược bàng quang niệu quản dẫn đến tình trạng nước tiểu chảy ngược vào thận.
  • Viêm đài bể thận tái diễn nhiều lần.

3. Nhận biết dấu hiệu suy thận

Triệu chứng suy thận sớm thường nhẹ và dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác nếu chúng ta không đi khám. Trong giai đoạn đầu của bệnh suy thận, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số dấu hiệu suy thận dưới đây. Nếu như phát hiện muộn và chữa trị  chậm trễ thì bệnh sẽ chuyển biến sang thận mạn tính rất nguy hiểm

3.1. Khó ngủ

Bệnh nhân thận mạn tính thường có tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Việc ngừng thở là dạng rối loạn gây ra 1 hay nhiều lần tình trạng tạm dừng hơi thở trong lúc ngủ. Tình trạng ngưng thở có thể diễn ra trong vài giây cho đến 1 phút. Sau những lần tạm dừng, hơi thở bệnh nhân sẽ trở lại trạng thái bình thường có âm thanh khịt mũi lớn. Việc ngáy lớn và kéo dài đáng lo ngại cần đi kiểm tra sớm.
Hình 3: Khó ngủ thường kèm ngưng thở từng lúc
Hình 3: Khó ngủ thường kèm ngưng thở từng lúc

3.2. Đau đầu, mệt mỏi và cơ thể bị suy nhược

Đa phần những bệnh nhân mắc thận mạn tính đều bị thiếu máu. Tình trạng thiếu máu sẽ diễn ra khi hiệu suất hoạt động của thận ở mức 20 - 50%. Nếu cơ thể bạn đã được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng vẫn tiếp diễn tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống cần phải đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Hình 4: Cơ thể suy nhược gặp ở nhiều bệnh lý nội khoa
Hình 4: Cơ thể suy nhược gặp ở nhiều bệnh lý nội khoa

3.3. Da khô và ngứa ngáy

Quả thận khỏe mạnh sẽ thực hiện tốt những công việc như loại bỏ các chất thải và chất dư thừa trong máu, hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu và giúp duy trì mức khoáng chất phù hợp với bệnh nhân. Nếu da bị khô và ngứa thì đây là dấu hiệu suy thận cần phải lưu ý.
Hình 5: Ngứa da thường gặp ở bệnh thận mạn
Hình 5: Ngứa da thường gặp ở bệnh thận mạn

3.4. Mùi hôi miệng kèm vị kim loại

Khi những chất thải tích trữ trong máu khiến vị thức ăn bị thay đổi và để lại vị kim loại trong miệng bệnh nhân. Hôi miệng là biểu hiện tình trạng tích trữ nhiều độc tố trong máu. Thêm vào đó, bệnh nhân sẽ không còn cảm giác muốn ăn thịt và không thấy ngon miệng khi ăn dễ gây ra tình trạng sụt cân vì thiếu dinh dưỡng.
Hình 6: Thay đổi vị giác do ứ trệ chất thải trong cơ thể
Hình 6: Thay đổi vị giác do ứ trệ chất thải trong cơ thể

3.5. Khó thở

Bệnh nhân suy thận có thể mắc phải tình trạng khó thở, đặc biệt là sau những hoạt động gắng sức có liên quan đến 2 cơ chế. Trước tiên, cơ thể sẽ bị ứ dịch do thận lọc không hiệu quả và làm suy giảm hoạt động của phổi. Tiếp theo việc thiếu lượng hồng cầu làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy cho cơ thể và gây ra hiện tượng khó thở.
Hình 7: Khó thở là hậu quả của việc giảm chức năng thận
Hình 7: Khó thở là hậu quả của việc giảm chức năng thận

3.6. Đau lưng

Dấu hiệu suy thận thường gặp chính là đau lưng ở vị trí nằm dưới khung xương sườn và bệnh nhân có thể cảm nhận được cơn đau lan ra phía trước của vùng chậu hoặc hông.
Hình 8: Đau lưng thường gợi ý do sỏi tiết niệu
Hình 8: Đau lưng thường gợi ý do sỏi tiết niệu

3.7. Huyết áp cao

Đây là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân phát hiện lần đầu. Hệ thống tuần hoàn và thận có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Thận có nhiệm vụ lọc chất thải từ máu. Nếu như mạch máu bị tác động, những nephron lọc máu không được cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng.
Hình 9: Huyết áp cao ở người trẻ tuổi cần chú ý
Nhãn

3.8. Thay đổi khi đi vệ sinh

Thận đóng vai trò sản sinh nước tiểu và loại bỏ các chất thải bằng đường tiểu. Thế nên không được chủ quan những thay đổi như tần suất, mùi, màu sắc, số lần tiểu trong ngày, đi tiểu có máu,…
Hình 10: Vô niệu, thiểu niệu do giảm bài xuất ở thận
Hình 10: Vô niệu, thiểu niệu do giảm bài xuất ở thận
Khi tới Bệnh viện để khám bệnh nếu bệnh nhân có các dấu hiệu trên sau khi thăm khám theo quy trình khám bệnh, Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để tầm soát bệnh thận như:
  • Xét nghiệm máu: Tổng phân tích tế bào máu, creatinin máu, urê máu, albumin máu, điện giải đồ,...
  • Xét nghiệm nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu, albumin niệu, creatinin niệu, điện giải niệu, tế bào cặn nước tiểu,...
  • Hình ảnh học: Siêu âm tổng quát- tiết niệu, X- quang hệ niệu, Chụp CTVT ổ bụng- tiểu khung, siêu âm doppler động mạch thận, chụp niệu quản- bàng quang ngược dòng,...
Như vậy khi có những dấu hiệu trên chúng ta hãy đi khám sàng lọc sức khỏe để phát hiện sớm bệnh, ngăn ngừa và điều trị bệnh thận hiệu quả tránh để thận mất chức năng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Võ Tam,  năm 2012, Suy thận mạn: Bệnh học, Chẩn đoán và điều trị, trang 114-205: Nhà xuất bản Đại học Huế.
2. Đỗ Gia Tuyển, năm 2021, Bệnh học nội khoa: Thận- Tiết niệu, trang 131- 136: Nhà xuất bản Y học
3. PGS.BS Trần Văn Chất, năm 2015, Bệnh Thận, trang 311-341: Nhà xuất bản Y học

Tác giả bài viết: Bs. Phùng Thế An, Khoa Nội thận tiết niệu – Thận nhân tạo

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây