Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở phụ nữ mang thai
Thứ tư - 21/05/2025 02:53
1. GBS là gì?
Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactiae) là vi khuẩn thường trú trong âm đạo/trực tràng, xuất hiện khoảng 10 - 30% ở thai phụ. Khoảng 50% phụ nữ mang thai nhiễm GBS sẽ truyền cho con trong khi chuyển dạ (do thai hít hoặc nuốt dịch ối, dịch âm đạo, tổn thương da khi đi qua đường sinh dục của mẹ).
2. Tại sao cần tầm soát GBS?
2.1. Ảnh hưởng của lây nhiễm GBS từ mẹ đối với trẻ sơ sinh: Nhiễm trùng do GBS ở trẻ sơ sinh có thể khởi phát sớm (< 7 ngày tuổi) hoặc khởi phát muộn (7 - 89 ngày tuổi) gây ra:
Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não (tỷ lệ tử vong lên đến 15%).
Di chứng lâu dài: Điếc, tổn thương não (nếu nhiễm trùng không được điều trị kịp thời).
2.2. Tầm quan trọng của xét nghiệm sàng lọc GBS
Giảm số trẻ sơ sinh nhiễm GBS do lây truyền từ mẹ trong quá trình chuyển dạ.
Điều chỉnh sử dụng kháng sinh dự phòng phù hợp với tình trạng của phụ nữ mang thai.
Kiểm soát mức độ kháng kháng sinh của GBS.
Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do ngăn ngừa hiệu quả các bệnh gây bởi GBS ở trẻ sơ sinh.
3. Yếu tố nguy cơ:
Sinh con =< 37 tuần
Vỡ ối sớm ở bất kỳ tuổi thai nào
Vỡ ối kéo dài từ 18 giờ trở lên trước khi sinh
Viêm màng ối (Chorioamnionitis)
Nhiễm GBS trong nước tiểu trong thai kỳ hiện tại (với mật độ >10⁴ CFU/mL)
Nhiệt độ ≥38ºC hoặc 100,4°F trong quá trình chuyển dạ
Tiền sử sinh con mắc bệnh do GBS
Trong một số nghiên cứu nhưng không phải tất cả, nguy cơ mắc GBS tăng lên ở những trường hợp đa thai
4. Chẩn đoán GBS:
4.1. Lâm sàng 4.1.1. Hầu hết sản phụ thường không có biểu hiện gì khi bị nhiễm GBS. Một số trường hợp GBS gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm trùng ối, viêm nội mạc tử cung. Vi khuẩn GBS chứa nhiều men phospholipid A2 để tổng hợp prostaglandin E2 gây sẩy thai, thai lưu, vỡ ối sớm, sinh non,…; gây viêm nhiễm các tổn thương đường sinh dục khi chuyển dạ. 4.1.2. Trẻ sơ sinh:
4.2. Cận lâm sàng
Cấy định danh GBS dịch âm đạo và kháng sinh đồ.
PCR dịch âm đạo và hậu môn: Xét nghiệm sinh học phân tử GBS Real Time PCR. Phương pháp này có độ nhạy cao và thời gian trả kết quả nhanh hơn so với phương pháp cấy truyền thống.
5. Thời điểm xét nghiệm GBS
Đối với đơn thai: 36 - 37 tuần 6 ngày;
Đối với đa thai: 32 - 34 tuần;
Hoặc khi thai kỳ có dấu hiệu sinh non hoặc vỡ ối non và sau khi có được sự đồng thuận của thai phụ.
6. Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm:
Ghi tên tuổi sản phụ lên ống (loại xét nghiệm huyết trắng).
Lấy que gòn (không đụng vào trong đầu và thanh que gòn) đưa vào trong âm đạo khoảng 2 cm, xoay 1-2 vòng.
Dùng tiếp que gòn đó đưa vào trong trực tràng khoảng 1 cm (qua cơ vòng hậu môn), xoay 1-2 vòng.
Đưa que gòn vào ống xét nghiệm, đậy kín, kiểm tra tên tuổi sản phụ và gửi ngay đến khoa Xét nghiệm (trong vòng 15 phút). Trường hợp không chuyển mẫu ngay được thì phải lưu trữ mẫu trong tủ lạnh (ngăn mát).
7. Cách phòng ngừa vi khuẩn GBS
Xét nghiệm sàng lọc: Việc xác định phụ nữ bị nhiễm khuẩn GBS đóng vai trò chủ yếu trong việc phòng ngừa bệnh khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ bị nhiễm có thể được xác định trực tiếp thông qua nuôi cấy hoặc gián tiếp thông qua sự hiện diện của các đặc điểm cụ thể ở người mẹ.
Kháng sinh dự phòng: Phụ nữ mang thai có kết quả xét nghiệm dương tính với GBS nên được tiêm kháng sinh (thường là penicillin hoặc ampicillin) trong quá trình chuyển dạ để ngăn ngừa lây truyền cho trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kháng sinh dự phòng giúp giảm tỷ lệ nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh xuống gần 0%.
Vệ sinh âm đạo: Tránh thụt rửa âm đạo, vì thói quen này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm GBS. Nghiên cứu cho thấy thai phụ có thói quen thụt rửa âm đạo có nguy cơ nhiễm GBS cao gấp 5,7 lần so với nhóm không có thói quen này.
Vệ sinh cá nhân: Thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách và thường xuyên rửa tay để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
8. Chỉ định dùng kháng sinh dự phòng
Kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ được sử dụng trong các trường hợp sau: Có thể được xác định thông qua xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, tiền sử sản khoa hoặc thăm khám lâm sàng, và có liên quan đến nguy cơ gia tăng nhiễm GBS khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh
Kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với GBS từ âm đạo hoặc trực tràng
Tiền sử sinh con mắc bệnh GBS khởi phát sớm
Có vi khuẩn GBS trong nước tiểu trong thai kỳ hiện tại
Không rõ tình trạng nuôi cấy (không thực hiện xét nghiệm hoặc chưa có kết quả) và có một trong các yếu tố sau:
Sốt trong chuyển dạ ( ≥100,4°F hay ≥38°C), hoặc
Chuyển dạ non (< 37 tuần tuổi thai), hoặc
Ối vỡ kéo dài ( ≥18 giờ), hoặc
Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic (NAAT) trong chuyển dạ cho kết quả dương tính với GBS.
Thời điểm và thời gian sử dụng kháng sinh dự phòng: Việc dự phòng bằng kháng sinh trong chuyển dạ với penicillin, ampicillin hoặc cefazolin đạt hiệu quả cao nhất nếu được sử dụng ít nhất bốn giờ trước khi sinh. Vì thời điểm sinh không thể dự đoán được, nên việc dự phòng được bắt đầu ngay khi sản phụ nhập viện để chuyển dạ hoặc vỡ ối, và tiếp tục mỗi bốn giờ một lần cho đến khi sinh em bé.
9. Điều trị GBS
c. Mổ lấy thai chủ động - Nếu mổ chủ động khi ối chưa vỡ: không cần dùng KSDP GBS. - Nếu sản phụ vào chuyển dạ hoặc ối vỡ non: Cefazolin trước mổ vừa là kháng sinh dự phòng GBS và dự phòng nhiễm trùng sau mổ. d. Lưu ý - Trẻ sơ sinh đủ tháng, lâm sàng ổn định và mẹ được điều trị dự phòng GBS ≥ 4 giờ trước sanh: không cần phải theo dõi đặc biệt. - Trẻ sơ sinh có mẹ có chỉ định điều trị dự phòng GBS nhưng không điều trị hoặc sử dụng KSDP không đủ (thời gian sử dụng KSDP đến khi sinh < 4 giờ): cần chuyển khoa Sơ sinh khi co các triệu chứng sau:
Có các biểu hiện bất thường: khóc thét dữ dội hoặc li bì
Giảm trương lực cơ
Bỏ bú
Nhiệt độ < 360C hoặc > 380C
Thở nhanh
Thay đổi bất thường màu da
Hình ảnh minh hoạ
"Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) không gây nguy hiểm với người mẹ nhưng có thể đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời!” Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị triển khai xét nghiệm GBS. Nếu có những thắc mắc và đặt lịch xét nghiệm, quý khách hàng vui lòng liên hệ: Phòng khám sản - SĐT: 0911.398.060 hoặc Khoa Vi sinh - Tầng 2 - Nhà D - Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị - SSĐT: 0777.532.232.
TÀI LIỆU KHAM KHẢO 1. Royal College of Obstetricians and Gynaecologists (2017), Prevention of early-onset neonatal group B streptococcal disease, Green–top Guideline No. 36. BJOG;124:e280-e305. 2. The American College of Obstetricians and Gynecologists (2019), Prevention of Group B Streptococcal Early-Onset Disease in Newborns, Number 782 3. Bệnh viện Từ Dũ (2020), Phác đồ điều trị Liên cầu khuẩn nhóm B và thai kỳ QĐ 380/QĐ-BVTD ngày 06/03/2020 4. Nguyễn, V. A., Trần, T. B., & Lê, M. C. (2023). Nghiên cứu tỷ lệ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tạp chí Y học Việt Nam, 12(3), 123-130. 5. Puopolo, K. M., Baker, C. J., Edwards, M. S., & Armsby, C. (2023). Group B streptococcal infection in neonates and young infants. UpToDate.
Tác giả bài viết: ThS. Đào Thị Thanh Huyền - Khoa Vi sinh, BVĐK tỉnh Quảng Trị