tin tuc

Bệnh sa sút trí tuệ - Dấu hiệu và cách phòng ngừa

Thứ năm - 03/07/2025 10:07
Sa sút trí tuệ là sự suy giảm chức năng trí tuệ và nhận thức, dẫn đến giảm bao gồm trí nhớ, tư duy, khả năng lý luận, ngôn ngữ, và kỹ năng hoạt động sống hàng ngày. Đây bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe người lớn tuổi. Tuy nhiên, bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người lớn tuổi mà còn là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường, nghiện rượu, đột quỵ..
Phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây bệnh là điều cần thiết để làm chậm đi quá trình tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ
I. Nguyên nhân
  1. Bệnh Alzheimer, còn được gọi là lú lẫn tuổi già, là nguyên nhân hàng đầu của sa sút trí tuệ. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những phần não kiểm soát sự suy nghĩ, trí nhớ và ngôn ngữ.
  2. Sa sút trí tuệ mạch máu xảy ra sau tổn thương não do bệnh lý mạch máu não gây ra. Sa sút trí tuệ thường xảy ra đột ngột và tiến triển từng bậc với các biểu hiện như giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn tiêu tiểu và vụng về khi thực hiện các động tác…. Sa sút trí tuệ mạch máu thường xảy ra ở người bị tai biến mạch máu não, người bệnh tiểu đường và cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.
  3. Các bệnh lý thoái hóa não (như bệnh Parkinson), ngộ độc kim loại, bệnh nhiễm trùng (như giang mai, nhiễm HIV)… cũng gây ra sa sút trí tuệ ở giai đoạn gần cuối của bệnh.
  4. Một số bệnh lý tổng quát như sốt cao, cơ thể bị mất nước, thiếu vitamin và suy dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý tuyến giáp, nghiện rượu hoặc chấn thương đầu nhẹ cũng có thể gây ra sa sút trí tuệ.
IICác dấu hiệu nhận biết
    Tại Khoa Tâm thần kinh Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, mặc dù chưa có thống kê cụ thể song bệnh nhân vào viện có biểu hiện sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng. Phần lớn người bệnh được phát hiện bệnh sa sút trí tuệ khi đến viện khám vì dấu hiệu của bệnh lý khác và sa sút trí tuệ thường diễn biến chậm, các biểu hiện lâm sàng mơ hồ và người thân thường dung nạp dần. Do đó, bệnh thường đã diễn tiến nặng khi được chẩn đoán.
Các dấu hiệu gì để nhận biết người bệnh bị sa sút trí tuệ và cách phòng ngừa bệnh như thế nào?         
Các dấu hiệu về trí năng thường gặp ở bệnh nhân sa sút trí tuệ

 
Khiếm khuyết Ảnh hưởng

Trí nhớ
  • Mất định hướng, đặc biệt là thời gian
  • Giảm trí nhớ đặc biệt những sự kiện gần đây.
  • Quên các thông tin, lặp lại lời, mất đồ vật
  • Ngày càng phụ thuộc gia đình trong sinh hoạt hàng ngày

Tư duy
  • Sắp xếp, tổ chức công việc không tốt
  • Các công việc, hoạt động bình thường lộn xộn
  • Nói chuyện chậm, không phù hợp, kém chính xác
  • Chậm hiểu khi tranh luận, trò chuyện và xem TV
  • Khó đưa ra quyết định và đánh giá
  • Ít ý tưởng mới, ít khởi đầu việc
  • Ngày càng phụ thuộc vào người thân

Cảm xúc
  • Mất sự thấu cảm, thờ ơ
  • Thỉnh thoảng giảm sự thấu cảm làm cho bệnh nhân dễ giận dữ và dễ rơi vào trầm cảm
  • Cảm xúc dao động
  • Hành vi xã hội và tình dục không phù hợp

Chức năng của bán cầu não ưu thế
  • Giảm khả năng về từ ngữ, dùng nhiều cụm từ đơn giản
  • Khó tìm từ để diễn đạt, gọi tên đồ vật
  • Thỉnh thoảng dùng sai từ
  • Khó khăn khi đọc, viết và phát âm
  • Khó tính toán, không thể kiểm soát tài chính
Chức năng của bán cầu não không ưu thế
  • Dễ bị lạc đường
  • Đi lang thang
  • Khó khăn trong mặc áo quần (định hướng không gian)
          Giai đoạn nặng: Người bệnh nặng dần trong vòng 2-10 năm, hậu quả trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào người khác trong các hoạt động.
 
  1. Không nhận biết người thân hoặc bản thân.
  2. Mất khả năng giao tiếp hiệu quả.
  3. Không kiểm soát tiểu tiện, đại tiện.
  4. Nằm nhiều, mất khả năng đi lại, ăn uống.
  5. Nguy cơ cao viêm phổi, loét do nằm lâu.
III. Phòng ngừa.

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học đã có thể phát hiện bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn sớm bằng các thang đánh giá nhanh như MMSE, MoCA … và điều trị nội khoa làm chậm đi quá trình tiến triển của bệnh, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Để phòng tránh và điều trị hiệu quả sa sút trí tuệ, điều cần thiết là phát hiện sớm và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để làm chậm phát thành bệnh. Kết hợp với tiến trình điều trị là quá trình chăm sóc bệnh nhân, chúng ta có thể áp dụng các phương pháp sau:    
         1. Bổ sung đầy đủ các loại vitamin như B6, B12, Omega3, hạn chế chất béo, muối và đường, loại bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia…         
2. Kiểm soát tốt cách bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu….
        3. Vận động, luyện tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng giúp cải thiện trí nhớ và làm chậm quá trình lão hóa cũng như sa sút trí tuệ, có thể tập mỗi lần khoảng 10 - 20 phút. Nên tập những môn vừa với sức khỏe và phù hợp với lứa tuổi như đi bộ, chạy bộ và đạp xe đạp tại chỗ, cũng có thể đi dạo trong công viên, tập thể dục, tập yoga …   
        4. Tham gia các hoạt động xã hội phù hợp                                        
        5. Chia sẻ, cảm thông với người bệnh: người nhà nên chăm sóc nhẹ nhàng, nói ngắn gọn, chậm rãi, rõ ràng, thường xuyên thăm hỏi.  

     Thực tế cho thấy, chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ là một công việc rất khó khăn và đòi hỏi sự kiên nhẫn cao, những người chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ hay mắc bệnh hơn so với người bình thường thường, nguy cơ trầm cảm cao hơn.                   
     Với những thông tin về dấu hiệu, cách chăm sóc phòng ngừa tiến triển của bệnh sa sút trí tuệ mong rằng khi trong gia đình có người thân nghi ngờ bị sa sút trí tuệ, hãy nhanh chóng đưa họ đến khám chuyên khoa tâm thần kinh hoặc lão khoa để có biện pháp điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng nề.


Tài liệu tham khảo:
  1. Phác đồ bệnh viện Chợ Rẫy 2018.
  2. 2024 Alzheimer’s disease facts and figures.Alzheimers Dement. 2024;20(5):3708-3821.
  3. Hugo J, Ganguli M. Dementia and cognitive impairment: epidemiology, diagnosis, and treatment.Clin Geriatr Med. 2014;30 (3) : 421-442.

Tác giả bài viết: Bác sĩ CKI Hoàng Đại Nhân - Khoa Tâm Thần Kinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây