Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn siêu âm
Thứ hai - 23/06/2025 21:26
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ được xem là một hình thức của chọc sinh thiết với mục đích làm xét nghiệm tế bào đánh giá bản chất của các tổn thương trên cơ thể. Đây được xem là phương pháp lấy tế bào và chẩn đoán chính xác với các loại khối u gây bệnh như u tuyến giáp, bướu cổ, hạch bẹn, nách,... Phương pháp chọc hút kim nhỏ được mô tả lần đầu tiên trong các tác phẩm y học của Ả rập vào thể kỷ thứ 10, đến thế kỷ 19 và 20 nhiều nghiên cứu về giá trị chẩn đoán các bệnh lý ung thư ngày càng được thực hiện và cho thấy giá trị tuyệt vời của nó. Sau đó là sự phát triển của can thiệp dưới siêu âm dẫn đến phương pháp chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm ngày càng phát triển và được ứng dụng nhiều. Vậy chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm được tiến hành như thế nào? Nó có vai trò như thế nào trong việc chẩn đoán và tầm soát ung thư?
1. Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm là gì?
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm là dùng kim nhỏ (23-26G) chọc nhẹ nhàng vào khối u hoặc hạch dưới định vị của siêu âm, lấy ra một ít tế bào, sau đó nhuộm bằng các phương pháp đặc hiệu (Giem sa, Papanicolau…), quan sát dưới kính hiển vi để xác định tổn thương là mô viêm, u lành hay u ác... Từ đó bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Phương pháp này được thực hiện tại phòng siêu âm, đơn giản, nhanh chóng, an toàn và chính xác cao.
Chọc hút hạch nghi ngờ sát động mạch cảnh dưới hướng dẫn siêu âm
(mũi tên trắng: kim sinh thiết, mũi tên vàng: hạch nghi ngờ, mũi tên đỏ: Động mạch cảnh)
Đầu kim (mũi tên trắng) đi vào hạch dưới siêu âm
2. Những khối u hoặc hạch của bộ phận nào làm chọc hút được?
Nhân ở tuyến giáp (các nhân nghi ngờ trên siêu âm, Tirads 4,5)
U tuyến dưới hàm, u tuyến mang tai
Nang ở cổ
Hạch cổ
Hạch nách
Hạch bẹn
U vú nghi ngờ với các dấu hiệu như vôi hóa, bờ không đều, xâm lấn, hoặc kèm hạch nách nghi ngờ.
Bất kỳ khối u nào nằm nông ở bề mặt da, sờ thấy được
3. Bạn cần chuẩn bị gì trước khi làm chọc hút?
Bạn không cần chuẩn bị gì, ăn uống bình thường. Thủ thuật này chỉ mất khoảng 5 – 10 phút giống lấy máu ở tay làm xét nghiệm.
Những trường hợp chống chỉ định:
+ Người bệnh không hợp tác: trẻ nhỏ, người bệnh lơ mơ, mê sảng, tâm thần, hôn mê. + Người bệnh có rối loạn đông máu. + Những người bệnh có bệnh lý toàn thân, ho c những bệnh có rối loạn hô hấp ho c tim mạch.
4. Cách làm như thế nào?
Bác sĩ sẽ giải thích cách làm và hướng dẫn bạn cách phối hợp.
Tuỳ theo tổn thương cần chọc hút nằm ở bộ phận nào của cơ thể, bạn nằm tư thế đúng và thoải mái nhất theo chỉ dẫn của Bác sĩ.
Sát trùng vị trí cần chọc.
Dùng kim nhỏ (thậm chí nhỏ hơn kim rút máu tĩnh mạch ở tay), đâm xuyên qua da vào khối u hoặc hạch, hút lấy 1 ít tế bào đủ làm xét nghiệm, phết lên lame, gửi Bác sĩ Giải phẫu bệnh đọc. Quá trình từ lúc đâm kim vào đến khi rút kim ra chỉ mất khoảng vài giây đến 2 phút.
Bạn sẽ thấy hơi đau hoặc tức nhẹ vị trí chọc kim.
Thực hiện xong, bác sĩ sẽ băng ép lại cho bạn.
5. Các biến chứng không mong muốn
Sau 1- 2 ngày, bạn sẽ thấy đau nhẹ tại vùng chọc và có thể uống paracetamol để giảm đau.
Đôi khi bạn bị sưng và bầm tím do quá trình chảy máu và tự hấp thụ máu dưới da, bác sĩ sẽ băng ép nhẹ nhàng vào vị trí chọc kim. Hiện tượng trên sẽ tự hết sau vài ngày, vì vậy bạn không cần lo lắng với hiện tượng trên.
Nhiễm trùng có thể xảy ra nhưng tỷ lệ rất ít, bạn có thể quay lại bệnh viện nếu có tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau vùng chọc kim.
Tổn thương các cấu trúc xung quanh do chọn nhầm vị trí.
6. Kết quả
Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ quan sát mẫu lame chọc dưới kính hiển vi để đưa ra chẩn đoán. Sau đó tổng hợp tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng, thăm khám lâm sàng sẽ đưa ra quyết định theo dõi hoặc điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại đây là thủ thuật được làm thường quy tại BVĐK tỉnh Quảng Trị, có khoảng 50 trường hợp được thực hiện mỗi tháng, góp phần chẩn đoán các u ác tính để điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo.
Quyết định 25/QĐ-BYT, Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp”.
Quyết định 5199/QĐ-BYT, Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Giải phẫu bệnh - Tế bào học”.
Diamantis A, Magiorkinis E, Koutselini H. Fine-needle aspiration (FNA) biopsy: historical aspects. Folia Histochem Cytobiol. 2009;47(2):191-7. doi: 10.2478/v10042-009-0027-x. PMID: 19995703.