Uốn ván sơ sinh là một trong những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở trẻ sơ sinh, với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường xảy ra trong vòng 28 ngày đầu sau sinh, chủ yếu do điều kiện sinh nở không an toàn và thiếu tiêm phòng đầy đủ cho mẹ trong thai kỳ.
Vi khuẩn uốn ván có khả năng sinh tồn đáng sợ Tác nhân gây bệnh uốn ván là vi khuẩn Clostridium tetani, một loại trực khuẩn yếm khí có khả năng tạo nha bào – dạng tồn tại đặc biệt bền vững trong môi trường. Nha bào uốn ván được tìm thấy khắp nơi: trong đất, phân người và động vật, bụi bẩn, thậm chí trên các vật dụng hằng ngày như dao, kéo, đinh rỉ hay dụng cụ làm vườn. Điều đáng lo ngại là nha bào có thể sống sót đến 5 năm trong đất, chịu được nhiệt độ cao, và chỉ bị tiêu diệt sau 30 phút đun sôi hoặc tiếp xúc với dung dịch sát trùng như phenol hoặc formalin trong 8–10 giờ.
Cách thức lây truyền vi khuẩn Uốn ván Ở người lớn và trẻ em, uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, vết rách, bỏng, tiêm chích không vô khuẩn, hoặc vết thương dập nát tiếp xúc với đất bẩn, phân hoặc dị vật. Đối với trẻ sơ sinh, bệnh thường khởi phát do nhiễm trùng rốn – khi dây rốn được cắt bằng dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn hoặc do chăm sóc rốn kém sau sinh. Những ca sinh tại nhà, sinh đẻ theo tập quán lạc hậu ở vùng sâu vùng xa là môi trường thuận lợi cho nha bào uốn ván xâm nhập và phát triển.
Triệu chứng lâm sàng Thời gian ủ bệnh của uốn ván sơ sinh dao động từ 3–28 ngày, phổ biến nhất là 6 ngày. Trẻ sơ sinh có thể vẫn khỏe mạnh trong 2 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi, trẻ bắt đầu biểu hiện:
Cứng hàm, không bú được, không khóc được;
Co cứng toàn thân, tư thế ưỡn cong, tay nắm chặt;
Triệu chứng thường rõ rệt nhất từ ngày thứ 4 đến 14 sau sinh.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu lâm sàng này là rất quan trọng, bởi các xét nghiệm chẩn đoán không có nhiều giá trị trong xác định bệnh.
Chú thích ảnh: Cơn co cứng điển hình
Uốn ván sơ sinh – Một cấp cứu y khoa khẩn cấp Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị khẩn cấp. Các biện pháp điều trị bao gồm:
Tiêm globulin miễn dịch uốn ván (TIG) hoặc huyết thanh kháng độc tố (SAT);
Kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp;
Chăm sóc kỹ vết thương và rốn;
Dùng thuốc giãn cơ, kháng sinh;
Đồng thời, tiêm vắc xin uốn ván để tạo miễn dịch chủ động.
Việc điều trị kịp thời có thể cứu sống trẻ, nhưng hiệu quả vẫn phụ thuộc lớn vào thời gian phát hiện bệnh và điều kiện chăm sóc y tế.
Biện pháp phòng bệnh Phòng ngừa uốn ván sơ sinh chủ yếu dựa vào tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai, kết hợp với đảm bảo các điều kiện đỡ đẻ sạch – vô khuẩn. Đối với phụ nữ mang thai:
Liều thứ hai cần được tiêm trước sinh ít nhất 1 tháng.
Với các lần mang thai sau, chỉ cần tiêm 1 liều nhắc lại trước sinh.
Đối với phụ nữ tuổi sinh đẻ: Cần hoàn tất 3 liều vắc xin uốn ván:
Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng,
Liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sức khỏe tại cộng đồng, đặc biệt ở các vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, để nâng cao nhận thức về việc tiêm chủng, sinh đẻ an toàn và chăm sóc rốn đúng cách cho trẻ sơ sinh.
Uốn ván sơ sinh là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được, nhưng vẫn còn là mối đe dọa đáng báo động tại nhiều vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện y tế còn hạn chế. Việc tăng cường tiêm chủng, sinh đẻ an toàn, và chăm sóc rốn đúng cách chính là những “liều vắc xin cộng đồng” giúp bảo vệ trẻ em trong những ngày đầu đời – giai đoạn mong manh nhất của cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
Infection prevention and control and water, sanitation and hygiene measures in health-care settings and shelters/congregate settings in Gaza: technical note. Geneva: World Health Organization and United Nations Children’s Fund; 2024).
Neonatal tetanus: vaccine preventable diseases surveillance standards. Geneva: World Health Organization; 2018
Tác giả bài viết: Ths.BSNT. Nguyễn Thị Thanh Tuyền – Khoa Nhi