tin tuc

"Tôi tự hào vì mình là Điều dưỡng"

Thứ hai - 11/05/2020 05:40
Đây là một trong số nhiều bài viết do nhân viên BVĐK tỉnh Quảng Trị tham gia hưởng ứng cuộc thi viết "Tôi tự hào vì mình là Điều dưỡng" nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/05) do CHIR - Trung tâm Nghiên cứu cải tiến y tế phát động trên Facebook. CHIR tổ chức cuộc thi này để bày tỏ sự trân trọng, biết ơn và tạo nguồn cảm hứng tích cực, sự tự hào với nghề cho các đồng nghiệp là điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh.
    "Đôi khi sự phản biện lẫn nhau lại làm khai sáng hay hiểu rõ hơn nhiều điều mà trước đó vốn dĩ đã có nhưng chúng ta chưa nhận ra. Chẳng hạn như câu chuyện hôm nay của gia đình tôi trong bữa cơm tối đã giúp tôi hiểu rằng không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ chính mình, nghề của mình cho đến một lúc nào đó…như tôi. Vậy nên, trước hết mong mọi người xem đây như là những dòng tâm sự của một người Điều dưỡng hơn là một bài dự thi nghe ra rất lớn lao.
    Tuần đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài tránh dịch Covid 19, vợ tôi hào hứng kể bao điều về trường lớp, bọn trẻ…Là giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp, vợ tôi bảo rằng năm nay thấy ít có học sinh nào chọn ngành Điều dưỡng. Bọn trẻ nói chuyện với nhau rằng nghề đó phải phục vụ người ta cực lắm, lại còn nguy hiểm nữa. Câu chuyện thoáng qua như bao ngày nhưng làm tôi giật mình, bọn trẻ bây giờ “tính toán” ghê thật! Trạc tuổi như chúng, tôi-thế hệ chúng tôi có mấy ai nghĩ được đến như thế và ngay cả lúc này chúng tôi biết đến nghề Điều dưỡng thực sự vất vả nhưng mấy ai than phiền hay có suy nghĩ từ bỏ, nó như một phần cuộc sống của chúng tôi rồi.

Tôi đã đọc đâu đó rằng: Khi cho đi bằng tất cả tấm lòng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế, chẳng phải người có nhiều của cải mới là người giàu có, mà chính người cho đi nhiều mới là người giàu có. Thật đúng như vậy.
     Tôi và vợ tôi lại tranh biện về môi trường làm việc của mình. Điểm chung công việc của chúng tôi là quan tâm, là chăm sóc rất nhiều người, nhưng đối tượng chăm sóc của chúng tôi lại khác nhau. Nếu nghề giáo dục là chăm sóc, vun đắp cho những con người trẻ, khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, năng động, tươi vui. Thì đối tượng chăm sóc của người Điều dưỡng là những người thể trạng yếu, ốm đau, thậm chí họ không có người thân, có những người bệnh nặng những ngày cuối cùng của cuộc đời mình cũng trông vào sự chăm sóc điều dưỡng…Bình thường, tính khí mỗi người đã khác nhau nay có bệnh trong người thì bệnh nhân càng “khó ở, trái tính”. Một viên thuốc có đắng ít hay không đắng nhưng khi họ nhận lấy từ tay người Điều dưỡng ít có ai nở nụ cười hay nói lời cảm ơn cả (bởi nhiều lẽ…).
     Thật đúng khi ai đó đã nói “Nghề Điều dưỡng như làm dâu trăm họ”. Gần 20 năm gắn bó với nghề, với những người đồng nghiệp, chúng tôi đã cùng nhau đi qua biết bao nhiêu kỉ niệm. Không ít anh chị em đón nhận những bức xúc của bệnh nhân, gia đình người bệnh, thêm vào đó còn rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, có điều dưỡng phải dùng thuốc khi bị phơi nhiễm HIV vì cấp cứu cho bệnh nhân bị tai nạn.Với tôi, cũng không ít lần chia nhau đi tìm bệnh nhân tự ý rời bệnh viện và lần theo địa chỉ để xem họ có về nhà bình an hay không. Cũng có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng xấu, khi chúng tôi đến giải thích, tư vấn thì bị người nhà bệnh nhân (một phần xúc động, một phần kích động, …) la hét, xô xát, dọa đánh chúng tôi . Cũng có lúc chúng tôi bị Bác sĩ phàn nàn vì chưa kịp làm theo y lệnh mặc dù chúng tôi đã chạy hết công suất của bản thân…Nhưng sau tất cả chúng tôi lại như một gia đình, vì ai cũng một lòng chăm sóc bệnh nhân, mong bệnh nhân sớm khỏi bệnh được ra viện.

     Tôi còn nhớ mãi câu chuyện về nữ đồng nghiệp cùng khoa, tận tụy phục vụ bệnh nhân mà quên rằng chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến ngày dự sinh. Cả ngày miệt mài làm việc với anh, chị em, vừa tan ca chiều thì nhập viện và 19 giờ tối đã thông báo hạ sinh cháu. Không ít đồng nghiệp tôi vì lịch trực dày đặc, công việc bận rộn mà những ngày lễ, Tết, những kỳ nghỉ đã không thể dành thời gian trọn vẹn bên gia đình. Bao vất vả biết nói sao cho hết. Nhưng cảm kích vô cùng khi về nhà lại nhận được sự cảm thông, chia sẻ của những người thân.
     Cũng có lúc chúng tôi thấy phiền lòng khi phần lớn những người chúng tôi quen đều nghĩ rằng nghề của chúng tôi là nghề “hái ra tiền”. Nếu ai trong số họ biết được sự hy sinh thầm lặng của chúng tôi thì vô cùng trân trọng, không hiểu thì chúng tôi cũng xác định nó đã như “cái nghiệp vận vào thân của mình”.
     May sao, ngày càng có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi ra viện đã thấu hiểu và biết ơn những người điều dưỡng đã ngày đêm chăm sóc họ khi đau ốm. Chúng tôi đã nhận được những bức thư cảm ơn, những cuộc điện thoại hay những món quà cây trái vườn nhà gửi đến khoa và bệnh viện. Dù giá trị vật chất không nhiều nhưng cũng làm chúng tôi ấm lòng, vững tin nghề của mình đã chọn và ngày càng yêu hơn màu áo trắng, yêu hơn nghề Điều dưỡng. Tôi tự hào vì mình là điều dưỡng!"

 
IMG 2467
Đội ngũ Điều dưỡng Trưởng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị

Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Hải - Khoa Ngoại CT-B - BVĐK tỉnh Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây