tin tuc

Ngộ độc khí cacbon monoxide (CO) – Cách phát hiện, xử trí và dự phòng

Thứ hai - 31/07/2023 21:28
Ngộ độc CO là một trong những trường hợp ngộ độc chết gây người phổ biến nhất, xảy ra do hít phải. CO có nguồn gốc từ sự cháy không hoàn toàn của hydrocarbon, là một khí không màu, không mùi, không gây kích ứng mũi và họng nhưng lại đặc biệt nguy hiểm. Vậy cách phòng tránh và xử trí khi ngộ độc khí CO là gì?
1. ĐẠI CƯƠNG
- Khí Carbon monoxide (CO) là một sản phẩm thường gặp do cháy không hoàn toàn của các chất có chứa Carbon.
- Khí CO rất độc, CO gắn mạnh vào Hemoglobin làm giảm khả năng vận chuyển oxy, gây thiếu oxy tổ chức, ức chế hô hấp tế bào, gây thiếu oxy, toan lactic và chết tế bào. CO gắn với Myoglobin đặc biệt ở cơ tim gây ức chế cơ tim và giảm cung lượng tim. Đặc biệt CO ức chế Cytochromeoxidase và dẫn tới một chuỗi quá trình bệnh sinh, dẫn tới hình thành các chất điều viêm và gốc tự do, gây chết tế bào và tổn thương thần kinh muộn, đặc biệt ở não. Thai nhi đặc biệt nhạy cảm với độc tính của CO.
-Trong xã hội hiện đại, ngộ độc khí CO có tỷ lệ mắc và tử vong khá cao. Việc chẩn đoán và xử trí cần nhanh chóng và tích cực mới có thể cứu sống và giảm nguy cơ tổn thương và di chứng với não.
2. NGUYÊN NHÂN
Ở Việt Nam thường gặp
- Đốt than (đặc biệt bếp than tổ ong), đốt củi, gỗ, than củi, khí gas trong các phòng kín hoặc thiếu thông khí, thường để nấu ăn, sưởi ấm hoặc đun nước (bình nóng trong nhà tắm chạy bằng khí gas). Khi thời tiết trở lạnh, nhiều người có thói quen đốt than trong phòng kín để ngủ. Đặc biệt người Việt Nam thường hơ than cho bà mẹ và bé sau sinh. Than được đốt lên tạo ra khi CO và CO2 có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé.

- Chạy máy phát điện, chạy các động cơ sử dụng xăng dầu ở trong phòng kín hoặc thông khí kém hoặc có thông với phòng hoặc khoang có người (Ví dụ: khoang hành khách trên tàu xe).
- Các trường hợp sử dụng than, xăng, dầu, khí CO trong công nghiệp nhưng có thông khí kém hoặc do người làm việc đi vào khu vực có nhiều khí CO mà không đảm bảo làm thoáng khí để giải phóng hết khí CO trước khi vào (Ví dụ lò nung, các khoang kín,…).
- Các tai nạn cháy nhà, cháy các khu vực kín hoặc thông khí hạn chế, có thể với cả nạn nhân và người cứu hộ bị ngộ độc.
Ảnh: Tài liệu Trường Đại học PCCC
Ảnh: Tài liệu Trường Đại học PCCC
3. TRIỆU CHỨNG
- Các triệu chứng ngộ độc CO có xu hướng tương quan tốt với nồng độ đỉnh của carboxyhemoglobin trong máu của bệnh nhân. Nhiều triệu chứng không đặc hiệu.
  • Nhức đầu và buồn nôn có thể bắt đầu xuất hiện khi nồng độ từ 10 đến 20%.
  • Nồng độ > 20% thường gây cảm giác hơi chóng mặt, mệt mỏi thông thường, khó tập trung và giảm khả năng đánh giá.
  • Nồng độ > 30% thường gây khó thở khi gắng sức, đau ngực (ở bệnh nhân có bệnh lý động mạch vành), và lẫn lộn.
  • Nồng độ cao hơn có thể gây ngất xỉu, co giật và sững sờ.
- Tụt huyết áp, hôn mê, suy hô hấp và tử vong có thể xảy ra, thường khi nồng độ > 60%.
- Bệnh nhân cũng có thể có nhiều triệu chứng khác, bao gồm giảm thị lực, đau ụng, thiếu hụt thần kinh khu trú. Nếu ngộ độc trầm trọng, các triệu chứng và dấu hiệu thần kinh tâm thần có thể phát triển từ vài ngày đến vài tuần sau khi phơi nhiễm và trở nên vĩnh viễn. Vì ngộ độc CO thường gây ra do hoả hoạn tại nhà, bệnh nhân có thể có các tổn thương đường hô hấp kèm theo, có thể làm tăng nguy cơ suy hô hấp.
4. CẬN LÂM SÀNG
- Xét nghiệm định lượng nồng độ HbCO ngay khi đến viện. Chú ý nồng độ COHb không tương quan với lâm sàng và di chứng thần kinh. HbCO ≥ 3-4% (người không hút thuốc), ≥ 10% (người hút thuốc): trên mức độ thông thường.
- Các xét nghiệm, thăm dò khác: Công thức máu, sinh hóa cơ bản, khí máu thấy toan hô hấp do phù phổi, toan chuyển hóa do suy tuần hoàn kết hợp tiêu cơ vân có thể gây ra suy thận cấp… Điện tâm đồ, Xquang phổi (nếu nghi viêm phổi do hít, hít bụi khói, phù phổi), chụp cắt lớp não, chụp cộng hưởng từ não.
5. CHẨN ĐOÁN
- Chẩn đoán xác định:
    • Hoàn cảnh.
    • Triệu chứng, nồng độ HbCO.
- Chẩn đoán phân biệt:
  • Ngộ độc nhẹ: Dễ nhầm các bệnh có biểu hiện “cảm cúm”.
  • Ngộ độc vừa: Dễ nhầm với vViêm dạ dày ruột, ngộ độc thực phẩm.
  • Ngộ độc nặng: Cần phân biệt với các nguyên nhân gây hôn mê và co giật khác.
6. ĐIỀU TRỊ
6.1 Nguyên tắc điều trị:
− Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa BN ra khỏi nơi nhiễm độc (lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu).
− Đảm bảo A (đường thở), B (hô hấp) và C (tuần hoàn). Đặc biệt lưu ý hồi sức hô hấp. Cho thở oxy 100% càng sớm càng tốt.
6.2 Điều trị đặc hiệu
− Cho thở oxy 100% đối với ngộ độc nhẹ (mask không thở lại, lều oxy, mũ oxy).
− Ngộ độc vừa và nặng nhưng còn tỉnh, hợp tác tốt, không ứ đọng đờm dãi, ho khạc tốt: thở CPAP hoặc BiPAP với oxy 100%.
− Nếu có suy hô hấp nặng, rối loạn huyết động, rối loạn ý thức, co giật, ứ đọng đàm dãi thì đặt nội khí quản – thở máy với FiO2 100% (nên chỉ định sớm hơn so với các bệnh lý khác).
− Cung cấp cho đến khi HbCO < 5%, với BN có thai cho tiếp 2 giờ sau khi HbCO đã trở về 0. Nếu không đo được HbCO thì cung cấp oxy 100% ít nhất vài giờ, kéo dài hơn với phụ nữ có thai.
− Thở oxy trong buồng cao áp (oxy cao áp, HBO) khi có triệu chứng thần kinh, tim mạch, HbCO > 25% và phụ nữ có thai. Khởi đầu 30 phút với 100% oxy ở 3 atmospheres. Tiếp theo ở 2 atmospheres trong 60 phút hoặc cho đến khi HbCO <10%.
6.3 Điều trị hỗ trợ
- Điều trị triệu chứng.
- Truyền dịch có thể dùng lợi niệu thẩm thấu như Manmol khi có tăng áp lực nội sọ.
- Điều trị rối loạn nhịp tim, hạ đường huyết, toan chuyển hóa....
7. BIẾN CHỨNG
Xuất hiện sau ngộ độc 2 - 40 ngày. Hầu hết xuất hiện ở bệnh nhân ban đầu có mất ý thức.
Bệnh nhân trên 30 tuổi tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng.
  • Hôn mê, trạng thái thực vật kéo dài, rối loạn nhận thức, mù vỏ.
  • Parkinson, rối loạn trương lực cơ, liệt, bệnh lý thần kinh ngoại vi, múa vờn, mất phối hợp động tác, đại tiểu tiện không tự chủ.
  • Rối loạn hành vi, trí nhớ, sa sút trí tuệ, loạn thần.
  • Di chứng kín đáo: tâm thần kinh, giảm trí nhớ, tập trung, rối loạn cảm xúc, có thể tới 47%.
  • Các di chứng thần kinh nhận thức có lẽ liên quan tới tổn thương chất trắng.
  • Đánh giá bằng các thăm khám kỹ của chuyên khoa tâm thần.
8. PHÒNG TRÁNH
- Không dùng bếp ga, lò nướng, than tổ ong, than củi để sưởi ấm trong phòng kín. Sử dụng các thiết bị sưởi ấm theo khuyến cáo và đảm bảo các điều kiện thông gió an toàn. Định kỳ hàng năm kiểm tra tất cả các thiết bị khí đốt, đảm bảo các thiết bị gas và lò sưởi trong tình trạng tốt.
- Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn, khuyến cáo về an toàn phòng cháy chữa cháy trong sử dụng máy phát điện.
- Không chạy phát các phương tiện, thiết bị sử dụng động cơ đốt trong (chạy máy phát điện, chạy phát ô tô, xe máy) tại không gian kín, như tầng hầm hoặc nhà để xe.
- Có biện pháp kiểm tra nồng độ khí độc trước khi xuống các khu vực giếng sâu, hầm lò.
- Cần đầu tư vào việc trang bị thiết bị dò khí Gas và CO để được cảnh báo các nguy cơ gây độc.
Tài liệu tham khảo:
1.Gerald F. O’Malley, DO, Rika O’Malley, MD (2022), Carbon Monoxide Poisoning. MSD Manual. 09/2022.
2.Vũ Văn Đính và cộng sự (2012). Carbon monoxide, Hồi sức cấp cứu toàn tập (426-428). Nhà xuất bản Y học.

 

Tác giả bài viết: Bs Nguyễn Thu Thuỷ - Khoa Nội Tổng hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây