tin tuc

Báo động tính trạng gia tăng đột quỵ não ở người trẻ tuổi

Thứ ba - 13/08/2024 03:54
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị ghi nhận trong tuần vừa qua có 3 ca đột quỵ não nặng phải can thiệp mạch máu cấp cứu và đều có độ tuổi dưới 33 tuổi. Thời kỳ trước đại dịch Covid-19, bệnh lý đột quỵ hầu như chỉ gặp ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 25% các ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi và đang có xu hướng gia tăng.
1.Triệu chứng khi bị đột quỵ
Khi bị đột quỵ, người bệnh thường sẽ có cảm giác tê hoặc yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân; đột ngột không nói được hoặc giọng nói bị méo, không hiểu được lời nói; thị lực cũng đột ngột bị mất, đau đầu dữ dội kèm chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng và vận động không theo ý muốn,...
Các dấu hiệu nhận biết nhanh cảnh báo đột quỵ (FAST)
Các dấu hiệu nhận biết nhanh cảnh báo đột quỵ (FAST)
2. Nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ
Đột quỵ xảy ra ở độ tuổi nào? Theo thống kê trước đây, đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi vì vậy bệnh thường xảy ra ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 25% các ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi và đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu hay thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, chỉ số cân nặng quá mức, và các nguyên nhân liên quan đến Covid-19… Những nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi diễn ra là do:
Bệnh lý dị dạng mạch máu não 
Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ ở người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não sẽ gây nên những túi phình dẫn đến đột quỵ xuất huyết não hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp - hay gọi là đột quỵ nhồi máu não. Dị dạng mạch máu não có thể phát hiện sớm qua phương pháp chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.
Xuất huyết não não - não thất nặng do vỡ dị dạng mạch máu não
•    Bệnh lý tăng huyết áp: 
Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về mạch máu. Huyết áp cao làm gia tăng áp lực lên thành mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu, những mảng xơ vữa này lâu ngày sẽ góp phần hình thành nên huyết khối (cục máu đông) đi khắp các mạch máu trong cơ thể, nếu cục máu đông này trôi lên não, dẫn đến tắc mạch máu não gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Khi gia tăng quá mức, thành mạch có thể bị vỡ, gây ra đột quỵ xuất huyết não. Có đến 90% trường hợp đột quỵ xuất huyết não có liên quan đến tăng huyết áp. Nếu bạn đang mắc bệnh tăng huyết áp, hãy sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng “tăng thì uống, hạ thì ngừng”, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân. Để biết bản thân có mắc bệnh tăng huyết áp hay không chỉ bằng một cách rất dễ dàng chính là đo huyết áp thường xuyên.
•    Bệnh lý tắc mạch máu não, có nhiều nguyên nhân
–    Người mắc các bệnh lý về tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, rung nhĩ… là đối tượng dễ bị đột quỵ. Người mắc các bệnh lý này, tình trạng tim thường co bóp bất thường, lâu ngày chúng dễ hình thành các cục máu đông trong buồng tim. Khi cục máu đông thoát ra khỏi buồng tim, chúng có thể di chuyển đến nhiều nơi khác trong cơ thể, nếu đi đến não sẽ dẫn tắc nghẽn mạch máu não, gây đột quỵ nhồi máu não. Các vấn đề về tim mạch là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
Nhồi máu não do huyết khối tắc mạch não
–     Hút thuốc lá thường xuyên: Theo thống kê, có khoảng 50% người bị đột quỵ trẻ tuổi có sử dụng thuốc lá thường xuyên hoặc những người hút thuốc lá thụ động. Trong điếu thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học, các chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi, từ đó phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
–     Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) có liên quan đến đột quỵ nhồi máu não. Đối với những người trẻ tuổi, các thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,... sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu.
–     Bệnh béo phì, ít vận động: Khoảng 10% người trẻ tuổi bị đột quỵ có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30), ngoài ra các chỉ số tại vòng bụng, hông còn có mối liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ.
–     Đái tháo đường: 30% đột quỵ ở người trẻ tuổi là do đái tháo. Do thói quen ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ.
–     Các nghiên cứu chưa chính thức chỉ ra rằng có liên quan đến nhiễm virus Covid-19 và vaccin ngừa Covid-19 .
Lối sống lười vận động giới trẻ ngày nay
Lối sống lười vận động giới trẻ ngày nay
3. Những biến chứng chính sau mắc đột quy
Các biến chứng đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng giống như đột quỵ ở người cao tuổi. Mặc dù có thể cơ địa người trẻ tuổi tốt hơn nên khả năng hồi phục sau đột quỵ cao hơn nhưng nếu bệnh nặng sẽ gây tàn phế, ảnh hưởng đến tâm sinh lý người bệnh cũng như trở thành gánh nặng cho các thành viên khác trong gia đình.
Các biến chứng phổ biến nhất của đột quỵ não là về tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng các chi hoặc trầm cảm,... Biến chứng của đột quỵ nhồi máu não và xuất huyết não ở người trẻ tuổi sẽ phụ thuộc vào vị trí não bị ảnh hưởng và khoảng thời gian não không có oxy. Những biến chứng phổ biến của đột quỵ bao gồm:
–    Sưng và phù nề não sau đột quỵ, khó đi bộ hoặc di chuyển tay chân do liệt. Đồng thời, người bị đột quỵ não có thể bị mất hoặc giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt;
–    Viêm phổi: Nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do người bệnh bị đột quỵ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt, khiến thức ăn, đồ uống đi vào phổi, dẫn đến viêm phổi;
–    Đau tim: Khoảng 1 nửa các ca đột quỵ liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch. Khi động mạch bị thu hẹp, xơ cứng sẽ làm gia tăng nguy cơ đau tim;
–    Trầm cảm: Đây là biến chứng rất phổ biến sau đột quỵ, đối với những người bị trầm cảm trước đột quỵ sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn;
–    Viêm loét, hoại tử do nằm liệt giường trong thời gian dài: Do thường phải nằm hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài vì bị liệt, do đó những người đột quỵ thường bị viêm loét;
–    Suy giảm nhận thức: Suy giảm nhận thức là dạng mất trí nhớ phổ biến thứ 2 sau bệnh Alzheimer;
–    Động kinh: Biến chứng này khá phổ biến ở người đột quỵ, nguyên nhân dẫn đến biến chứng này là do não hoạt động bất thường, gây ra co giật;
–    Các chi co cứng, đau vai: Cơ bắp các chi bị co cứng, dẫn đến khả năng vận động của người bệnh hạn chế. Đau vai có thể là nguyên nhân của việc một tay bị yếu hoặc liệt, co cứng, dẫn đến việc vai bị ảnh hưởng;
–    Chứng nghẽn mạch máu: Nguyên nhân gây ra chứng nghẽn mạch máu sau đột quỵ là do người bệnh mất khả năng vận động hoặc khả năng vận động bị hạn chế khiến cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chân;
–    Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang: Khi người bệnh bị đột quỵ, ống thông foley được đặt để thu nước tiểu khi người bệnh không thể kiểm soát chức năng bàng quang. Việc đặt ống thông này có thể gây ra nhiễm trùng;
–    Mất chức năng ngôn ngữ: Chức năng ngôn ngữ đột ngột mất sau đột quỵ rất phổ biến. Người bệnh sẽ gặp vấn đề khó nói, nói không đầy đủ hoặc nói những từ vô nghĩa,...
Biến chứng chinh suy giảm nhận thức sau đột quỵ
Biến chứng chinh suy giảm nhận thức sau đột quỵ
4. Cần phải làm gì để phòng ngừa đột quỵ ở người trẻ tuổi?
Theo thống kê, có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng 5 triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu người tử vong mỗi năm. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ tử vong cũng như di chứng, người trẻ tuổi cần có các biện pháp phòng tránh kịp thời. Dựa vào các nguyên nhân trên, đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể phòng ngừa nếu giữ một thói quen sinh hoạt lành mạnh như:
–    Có một lối sống tích cực cũng như chế độ ăn thích hợp và tăng cường tập thể dục, tập vận động mỗi ngày;
–    Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não ở người trẻ tuổi như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích,... là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ tái phát.
–    Bên cạnh đó, không nên chủ quan cho rằng đột quỵ não chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà bỏ qua việc thăm khám. Do đó, khi có biểu hiện của bệnh lý đột quỵ thì cần đi kiểm tra sức khỏe để kịp thời phòng ngừa những nguy cơ dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã triển khai Phòng khám Nội theo yêu cầu từ ngày 05/8/2024, tiến hành thăm khám, tư vấn và điều trị các mặt bệnh nội khoa. Trong đó, chú trọng đến các bệnh lý tim mạch, nội thần kinh giúp chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đột quỵ, từ đó tư vấn và có các biện pháp điều trị dự phòng phù hợp. Để tìm hiểu thông tin và đặt đặt lịch khám, vui lòng liên hệ theo số điện thoại 0814.855.446 - Công tác xã hội của Bệnh viện .

 

Tác giả bài viết: BS CK II Phùng Hưng- Trưởng khoa CĐHA

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây