tin tuc

Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính: chúng ta đã hiểu đúng?

Thứ hai - 19/08/2024 03:22
1. Suy tĩnh mạch chi dưới là gì?
Suy tĩnh mạch chi dưới (còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới, hay giãn tĩnh mạch chân…) là tình trạng suy giảm chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến sự trào ngược dòng máu tĩnh mạch dưới tác động của trọng lực, gây ra ứ trệ máu ở chi dưới, từ đó làm biến đổi về huyết động và làm thay đổi các tổ chức mô xung quanh.
Cơ chế suy tĩnh mạch chi dưới
Cơ chế suy tĩnh mạch chi dưới
2. Những ai dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới?
  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, các tĩnh mạch càng bị thoái hóa làm mất đi tính đàn hồi, mất đi chức năng các van tĩnh mạch nên càng dễ đưa tới suy tĩnh mạch chi dưới
  • Nữ giới: chiếm đến 70% số ca bệnh bị suy tĩnh mạch chi dưới, liên quan đến hormon nữ, quá trình mang thai, uống thuốc tránh thai, thói quen đi giày cao gót hay đứng lâu, ngồi nhiều, ít vận động hơn nam giới
  • Yếu tố gia đình: Một người mắc bệnh thì các thành viên khác cùng huyết thống trong gia đình cũng dễ mắc bệnh tương tự, với tần suất gấp 1,5-2 lần người bình thường
  • Mang thai nhiều lần: Mang thai, sinh đẻ nhiều lần làm tăng nguy cơ suy tĩnh mạch chi dưới. Phụ nữ đã mang thai và mang thai nhiều lần có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần phụ nữ chưa mang thai và nam giới.
  • Nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, ít vận động:bác sĩ phẫu thuật, thợ may, giáo viên, bán hàng, … khiến máu dồn xuống hai chân nhiều, gây tăng áp lực ở tĩnh mạch chân và tăng nguy cơ ảnh hưởng tới van tĩnh mạch, từ đó gây suy tĩnh mạch.
  • Béo phì: Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tĩnh mạch chi dưới
 
Các yếu tố nguy cơ của suy tĩnh mạch chi dưới
Các yếu tố nguy cơ của suy tĩnh mạch chi dưới
3. Các mức độ của suy tĩnh mạch chi dưới?
Theo hệ thống phân loại CEAP 2020, suy tĩnh mạch chi dưới chia thành các độ như sau:
  • C0: Không có biểu hiện bệnh lý tĩnh mạch có thể quan sát hoặc sờ thấy, C0s: Có triệu chứng của bệnh tĩnh mạch mạn tính
  •  C1: Giãn mao tĩnh mạch mạng nhện hoặc dạng lưới với đường kính<3mm (Telangiectasia hoặc reticular veins)
  • C2: Giãn tĩnh mạch với đường kính>3mm (varicose vein), C2r: giãn tĩnh mạch tái phát sau điều trị
  • C3: Phù chi dưới, chưa có biến đổi trên da.
  • C4: Biến đổi trên da do bệnh lý tĩnh mạch, C4a: Rối loạn sắc tố và/hoặc chàm tĩnh mạch, C4b: Xơ mỡ da và/hoặc teo trắng da Atrophie blanche, C4c: Corona phlebectatica
  • C5: Loét đã lành sẹo.
  • C6: Loét đang tiến triển. C6r: loét tái phát sau điều trị
 
Các mức độ suy tĩnh mạch chi dưới
Các mức độ suy tĩnh mạch chi dưới
4. Làm thế nào để nhận biết dấu hiệu suy tĩnh mạch chi dưới?
Mỗi người sẽ có các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:
  • Nặng chân, tức chân
  • Đau chân
  • Phù chân (sưng chân)
  • Chuột rút (vọp bẻ) về đêm
  • Cảm giác dị cảm như kiến bò, tê bì, nóng rát chân
  • Ngứa chân
Các triệu chứng xuất hiện hoặc nặng lên về chiều tối, khi đứng lâu, ngồi nhiều, đi lại kéo dài, tiếp xúc với nhiệt độ cao như ngâm nước nóng, trời nắng.
Các triệu chứng giảm hoặc mất vào sáng sớm ngủ dậy, gác chân cao, tiếp xúc với nhiệt độ thấp như ngâm châm vào nước mát, vào thời tiết lạnh, khi mang tất áp lực, khi uống thuốc trợ tĩnh mạch
 
Triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới
Triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới
5. Chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới bằng cách nào?
  • Khám lâm sàng: Suy giãn tĩnh mạch có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, các triệu chứng của người bệnh. Ở người bệnh có mô dưới da mỏng, có thể nhìn và sờ thấy tĩnh mạch giãn ra và căng nhanh khi chuyển từ tư thế nằm sang đứng
 
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới
 
  • Siêu âm Doppler mạch máu:
Siêu âm xác định chẩn đoán khi ghi nhận dòng trào ngược qua van tĩnh mạch với thời gian kéo dài >0.5 giây ở tĩnh mạch hiển và tĩnh mạch sâu ở cẳng chân hoặc > 1 giây ở tĩnh mạch đùi khoeo.
Siêu âm còn xác định vị trí tổn thương của tĩnh mạch, đánh giá huyết động của tĩnh mạch, từ đó giúp lập bản đồ tĩnh mạchvà lựa chọn kỹ thuật điều trị phù hợp.
 
Siêu âm Doppler là phương pháp hiện đại, giúp phát hiện suy tĩnh mạch chi dưới
Siêu âm Doppler là phương pháp hiện đại, giúp phát hiện suy tĩnh mạch chi dưới
6. Suy tĩnh mạch chi dưới có thể gây ra những biến chứng gì?
Nếu suy tĩnh mạch chi dưới không được phát hiện và điều trị sớm, hoặc điều trị sai phương pháp thì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
  • Huyết khối (còn gọi là cục máu đông) hình thành trong các búi giãn tĩnh mạch ở chi dưới, gây sưng, đau. Đồng thời, nguy cơ cục máu đông có thể rời khỏi vị trí ở chân đi theo các tĩnh mạch về tim và được tim bơm lên phổi làm tắc mạch máu phổi, từ đó gây ra bệnh cảnh thuyên tắc phổi rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao
  • Loét chân: Suy tĩnh máu gây ứ trệ máu ở chân, đặc biệt ở vùng dưới của cẳng chân, làm loạn dưỡng từ đó có thể đưa tới loét chân. Các vết loét này gây đau đớn, và rất khó lành, nguy cơ nhiễm trùng cao
  • Chảy máu khó cầm:Các búi tĩnh mạch giãn ở chân rất dễ chảy máu và chảy máu khó cầm nếu bị chấn thương
 
Các biến chứng nguy hiểm của suy tĩnh mạch chi dưới
7. Triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới có thể dễ nhầm lẫn với những bệnh nào?
Suy tĩnh mạch có nhiều triệu chứng rất dễ lầm tưởng với những bệnh khác như:
  1.  
  • Chuột rút (vọp bẻ) về đêm: dễ lầm tưởng bị hạ calci, loãng xương…
  • Đau chân: dễ lầm tưởng bị đau xương khớp, đau trong bệnh lý động mạch chi dưới…
  • Cảm giác dị cảm, châm chích như kiến bò: dễ lầm tưởng với thần kinh như thần kinh tọa trong bệnh cảnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng, bệnh lý thần kinh đái tháo đường…
  • Phù chân (sưng chân): dễ lầm tưởng bị suy tim, suy thận, xơ gan…
  • Ngứa chân, rối loạn sắc tố da: dễ lầm tưởng với các bệnh da như viêm da cơ địa, chàm dị ứng...
8. Khi bị suy tĩnh mạch chi dưới, chúng ta không nên làm gì?
  • Không nên tắm hoặc ngâm chân bằng nước ấm, chườm nóng
  • Không nên phơi nắng, mang quần chật, mang giày cao gót
  • Không nên ngồi xổm, ngồi thỏng chân, ngồi bắt chéo chân, đứng bất động trong thời gian dài
  • Không nên mang vác nặng hoặc chơi các môn thể thao cường độ mạnh
  • Không nên chích lể ở chân bị suy tĩnh mạch vì có thể gây chảy máu khó cầm hoặc nhiễm trùng
  • Không nên tự ý đắp thuốc, đắp lá lên chân, đặc biệt khi đã có loét chân
 
Những điều không nên khi bị suy tĩnh mạch chi dưới
Những điều không nên khi bị suy tĩnh mạch chi dưới
9. Có những phương pháp điều trị suy tĩnh mạch chi dưới nào?
Mục đích chính khi điều trị suy tĩnh mạch chi dưới là giải quyết các triệu chứng hiện tại, phòng ngừa biến chứng cũng như ngăn chặn tiến triển của bệnh theo thời gian. Bao gồm các phương pháp sau:
Các phương pháp điều trị bảo tồn:
  •  
  • Mang tất áp lực tĩnh mạch: Tất áp lực có thể co giãn và tạo lực ép ở chân, giúp máu di chuyển và không ứ đọng ở tĩnh mạch. Tất áp lực có nhiều độ chặt, độ dài và kiểu dáng khác nhau. Tùy tình trạng bệnh và mục đích điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bạn mua loại tất phù hợp với chân mình.
  • Di chuyển thường xuyên: bạn cần cố gắng không ngồi hoặc đứng lâu. Nếu phải ngồi, hãy thường xuyên duỗi thẳng hoặc lắc lư bàn chân để giúp máu lưu thông về tim dễ dàng. Nếu bạn đứng nhiều, nên tranh thủ ngồi sau mỗi 60 phút và gác chân lên cao. Mục tiêu chính là giúp máu về tim, giảm áp lực trong tĩnh mạch chân của bạn.
  • Tập thể dục: Tập thể dục cũng giúp đưa máu về tim tốt hơn. Trong các bộ môn tập luyện, đi bộ nhanh là bài tập giãn tĩnh mạch chân được bác sĩ khuyến cáo vì dễ tập, giúp cơ chân khỏe hơn và tăng cường lưu thông máu ở hệ tĩnh mạch sâu tốt hơn.
  • Sử dụng thuốc: Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc phù hợp, như thuốc tăng cường trương lực tĩnh mạch, thuốc chống đông để ngăn ngừa hình thành cục máu đông, kháng sinh nếu có nhiễm trùng loét chân…
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng các phương pháp bảo tồn
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng các phương pháp bảo tồn
Các phương pháp can thiệp:
  • Đốt laser nội mạch: Đây là phương pháp mới đang được áp dụng rộng rãi ở các trung tâm lớn trên thế giới với tính thẩm mỹ và hiệu quả điều trị cao, tỷ lệ tái phát thấp, chi phí vừa phải. Bác sĩ sẽ luồn một dây đốt laser vào tĩnh mạch và tiến hành đốt nóng bằng sóng nhiệt để phá hủy tĩnh mạch bị bệnh.
 
Cơ chế đốt laser nội mạch điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
Cơ chế đốt laser nội mạch điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch tại BVĐK tỉnh Quảng Trị
Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng phương pháp laser nội mạch tại BVĐK tỉnh Quảng Trị
  • Tiêm xơ tĩnh mạch: bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào các tĩnh mạch bị giãn. Nhờ đó, máu không đi theo các tĩnh mạch bệnh nữa. Theo thời gian, tĩnh mạch sẽ trở nên xơ, biến thành sẹo và không hiện hữu trên da nữa.
    Phương pháp tiêm xơ điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
    Phương pháp tiêm xơ điều trị suy tĩnh mạch chi dưới
Ngoài ra còn các phương pháp can thiệp nội mạch khác như: Bơm keo tĩnh mạch Venaseal, đốt sóng cao tần RFA, hay các phương pháp can thiệp bằng ngoại khoa truyền thống như: phẫu thuật stripping, CHIVA, Muller…
10. Điều trị suy tĩnh mạch chi dưới ở đâu?
Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị đã triển khai điều trị suy tĩnh mạch chi dưới bằng nhiều kỹ thuật mớiđược 3 năm nay với hàng trăm ca bệnh được chữa khỏi. Sau đây là một số hình ảnh thực tế các ca bệnh suy tĩnh mạch chi dưới được điều trị:
 
  Một số ca bệnh suy tĩnh mạch chi dưới được điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Trị
  Một số ca bệnh suy tĩnh mạch chi dưới được điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Trị

        

Tác giả bài viết: Bs Hoàng Thế Nhân - Khoa Nội Tim mạch

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây