tin tuc

Các phương pháp vô cảm trong phẫu thuật và những lưu ý cho bệnh nhân trước mổ

Thứ năm - 29/09/2022 21:06
Thời gian gần đây chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi của quý bệnh nhân và đọc giả về việc gây mê, gây tê trong phẫu thuật như thế nào, khi nào cần gây mê, khi nào cần gây tê, cũng như những lưu ý nào cho bênh nhân trước phẫu thuật. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý bệnh nhân và đọc giả giải đáp những thắc mắc trên một cách tổng quát nhất.
Sợ đau là cảm giác thường xuất hiện ở các bệnh nhân mỗi khi phải mổ. Gây tê và gây mê là những phương pháp giúp người bệnh không còn cảm giác đau trong quá trình phẫu thuật. Vậy gây tê và gây mê khác nhau như thế nào?
1. Tìm hiểu kỹ thuật gây tê
Gây tê là một phương pháp vô cảm sử dụng các tác nhân hóa học hoặc vật lý ức chế tạm thời dẫn truyền xung động thần kinh để làm mất cảm giác đau ở một vùng nhất định của cơ thể. Người ta dùng thuốc tê tiêm tại chỗ và ức chế cảm giác đau đớn. Các trường hợp tiểu phẫu thuật đều được áp dụng tê tại chỗ. Vì tê tại chỗ nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi làm phẫu thuật.
Gây tê được chia thành hai phương pháp: Gây tê tại chỗ và gây tê vùng.
  • Gây tê tại chỗ là làm cho một vùng nhỏ không còn cảm giác đau. Gây tê tại chỗ áp dụng cho những vùng phẫu thuật nhỏ như một vết thương cạn, nhỏ, ngoài da, vết thương ở da đầu, vết thương ngón tay, ngón chân ...
  • Gây tê vùng là làm tê một vùng rộng hơn. Tê vùng là chích thuốc tê vào tủy sống hay ngoài màng cứng. Người ta chích thuốc tê vào tủy sống và những rễ thần kinh tương ứng. Tê vùng làm mất cảm giác một vùng lớn của cơ thể như bụng, lưng hay hai chân, tay.
Gây tê được chia thành hai phương pháp: Gây tê tại chỗ và gây tê vùng
Gây tê được chia thành hai phương pháp: Gây tê tại chỗ và gây tê vùng
2.Tìm hiểu về gây mê
Gây mê là phương pháp vô cảm nhằm mục đích làm mất tạm thời ý thức, cảm giác, các phản xạ, bằng các thuốc mê tác động trên thần kinh trung ương. Người ta có thể chích thuốc qua tĩnh mạch hay cho bệnh nhân ngửi thuốc mê qua đường thở. Với gây mê, bệnh nhân sẽ không hay biết gì và không còn cảm thấy đau khi mổ, bệnh nhân không biết cuộc mổ xảy ra thế nào và vào thời điểm nào.
Tuỳ theo đường vào cơ thể của thuốc mê người ta chia ra làm 3 loại:
  • Gây mê qua đường hô hấp: Khi sử dụng để gây mê thuốc được đưa vào cơ thể người bệnh phải qua đường hô hấp, người bệnh hít hơi thuốc mê, thuốc qua phế nang để vào máu.
  • Gây mê qua các đường khác: Gây mê qua đường tĩnh mạch, gây mê qua đường trực tràng, gây mê qua đường bắp thịt.
  • Gây mê phối hợp: Dùng các thuốc mê khác nhau qua một đường hoặc nhiều đường khác nhau vào cơ thể bệnh nhân để gây mê hoặc sử dụng thuốc mê phối hợp với các thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ. Gây mê phối hợp với gây tê vùng.
Tùy theo nhu cầu phẫu thuật đòi hỏi, vùng mổ lớn hay nhỏ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kết quả xét nghiệm như thế nào, cách thức phẫu thuật ra sao mà người ta chọn những cách thức gây tê, gây mê khác nhau. Thường thì Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê sẽ cùng bàn bạc chọn một phương thức thích hợp nhất để áp dụng cho việc gây tê hay gây mê. Bất cứ loại tê mê nào cũng đều có những nguy cơ, tuy dù ngày nay độ an toàn của tê mê đã được nâng lên rất cao. Nhưng trong một vài tình trạng sức khỏe nào đó, độ an toàn của gây mê vẫn bị ảnh hưởng. Vì thế, trước khi gây mê, người gây mê sẽ báo cho bệnh nhân biết những điều không tốt có thể xảy ra.
3. Những lưu ý cho bệnh nhân trước phẫu thuật
Dưới đây là hướng dẫn về những điều người bệnh cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật - gây mê hồi sức.
Nhập viện khi nào?
Khi có chỉ định nhập viện để phẫu thuật, người bệnh cần có mặt theo hướng dẫn của Bác sĩ để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật.
Cam kết phẫu thuật, thăm khám tiền mê là gì?
- Sau khi hoàn tất các xét nghiệm tiền phẫu và được bác sĩ cung cấp đầy đủ các thông tin về cuộc phẫu thuật, người bệnh sẽ được khám tiền mê với bác sĩ gây mê để quyết định phương pháp gây mê - gây tê phù hợp, đồng thời bác sĩ gây mê cũng sẽ giải thích về phương pháp gây mê - gây tê được áp dụng cho người bệnh.
- Sau đó, người bệnh sẽ ký cam kết chấp thuận phẫu thuật - gây mê hồi sức; người bệnh dưới 18 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ ký vào cam kết.
- Ngoài ra, tùy tính chất cuộc phẫu thuật, có thể yêu cầu người bệnh hoặc người nhà ký vào cam kết chấp thuận truyền máu.
Có được mang tư trang vào phòng phẫu thuật?
Người bệnh không được mang tư trang vào phòng phẫu thuật, nên để vật dụng quý giá ở nhà khi nhập viện hoặc nhờ người nhà cất giữ. Ngoài việc có thể xảy ra mất mát không đáng có thì những trang sức kim loại có thể gây ảnh hưởng kết quả các máy móc theo dõi người bệnh khi phẫu thuật. Bệnh viện không chịu trách nhiệm về những vật dụng, tư trang quý giá của người bệnh nếu không theo hướng dẫn của bệnh viện.
Ở bệnh viện, trước khi đi phẫu thuật thì có được tắm không?
Giữ gìn vệ sinh cơ thể giúp giảm nhiều nguy cơ nhễm trùng sau mổ. Bệnh viện sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng loại xà phòng khử trùng đặc biệt và yêu cầu người bệnh tắm trước khi phẫu thuật.
Người bệnh phải ăn uống và sử dụng thuốc như thế nào trước khi phẫu thuật?
- Để tránh nguy cơ thức ăn và dịch từ dạ dày có thể trào ngược vào phổi, người bệnh cần kết thúc bữa ăn uống cuối theo bảng hướng dẫn sau:
(Áp dụng cho người bệnh khỏe mạnh ở mọi lứa tuổi, mổ theo chương trình)
Loại thức ăn Thời gian tối thiểu phải nhịn trước mổ
Chất lỏng sạch Nước lọc, trà, cà phê,… Trước 2 giờ
Sữa mẹ   Trước 4 giờ
Sữa Sữa đặc, sữa tươi các loại Trước 6 giờ
Ăn nhẹ Cháo loãng, súp, các loại bánh
Ăn bữa chính Cơm, cháo đặc, các loại mì bún sợi, thức ăn chiên xào Trước 8 giờ
 
- Một số loại thuốc có thể gây ra biến chứng chảy máu nhiều và các biến chứng khác trong quá trình phẫu thuật - gây mê hồi sức nên người bệnh cần cung cấp đầy đủ và chính xác các bệnh lý và loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ gây mê sẽ có kế hoạch chuẩn bị tốt nhất cho người bệnh trước khi phẫu thuật. Và không tự ý uống bất cứ loại thuốc gì người bệnh tự mang theo.

Các lưu ý cần thiết trước khi phẫu thuật
- Tẩy trang, chùi sạch sơn móng tay móng chân, cột tóc gọn gàng.
- Tháo răng giả có thể tháo lắp, tháo kính áp tròng.
- Tháo tất cả đồ trang sức, khuyên đeo trên người, vật dụng cá nhân gửi cho người nhà.
- Mặc quần áo do bệnh viện cung cấp. Người bệnh sẽ được điều dưỡng hướng dẫn.
- Vệ sinh cơ thể, đi tiểu, đi tiêu (nếu có) trước khi vào phòng mổ.
- Người bệnh nhỏ tuổi cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm.
- Trước khi phẫu thuật, nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như: đau họng, ho, cảm sốt, đau bụng hoặc tiêu chảy…, người bệnh hoặc người nhà cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng tại khoa để kịp thời thăm khám và có kế hoạch xử trí. Bác sĩ có thể quyết định hoãn cuộc phẫu thuật cho đến khi tình trạng người bệnh ổn định.
- Để tránh lo âu, căng thẳng, người bệnh nên có người thân bên cạnh động viên, bác sĩ hướng dẫn đầy đủ, và nên ngủ sớm. Bác sĩ có thể dùng thuốc an thần cho người bệnh đêm trước mổ nếu cần thiết.
* Với đội ngũ nhân viên y tế đủ khả năng chuyên môn, giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại sẵn có, quý bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm khi đến thăm khám và phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi cam kết luôn cố gắng hết mình vì sức khỏe người bệnh.

Tác giả bài viết: Bs Trần Thanh Hoài - Khoa PTGMHS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây