tin tuc

Dưỡng sinh phòng bệnh lúc giao mùa - mùa mưa lạnh

Thứ ba - 11/10/2022 21:23
Y học cổ truyền luôn chú trọng vai trò của thiên nhiên trong sự sinh tồn của con người. Các học thuyết nền tảng làm cơ sở lý luận phòng – chữa bệnh đều tuân theo quy luật của đất trời, lấy cân bằng giữa bên trong và bên ngoài cơ thể làm trọng tâm.
Theo y học cổ truyển, thời tiết bốn mùa tạo nên do sự luân chuyển xuyên suốt của lục khí: gió (phong), lạnh (hàn), mưa ẩm (thấp), nắng (thử), khô (táo), nóng (hỏa). Tiết trời mưa lạnh đang đến là lúc chuyển tiếp nhiệt độ cao – thấp, chệnh lệch nhiệt độ ngày đêm nhiều, độ ẩm tăng dần, không khí ẩm ướt, thời gian mặt trời chiếu sáng ngắn. Do đó, khí trời chủ yếu là thấp và hàn. Khi lục khí điều hòa, vạn vật đơm hoa kết trái. Nhưng khi lục khí diễn biến thái quá, điều tiết không nhịp nhàng gây ra thiên tai như mưa lụt, rét đậm kéo dài làm đảo lộn sự sống của con người, muôn loài mà gây nên bệnh tật.
Sơ đồ minh họa cơ chế gây bệnh của các khí chủ yếu vào mùa mưa lạnh
Sơ đồ minh họa cơ chế gây bệnh của các khí chủ yếu vào mùa mưa lạnh
Trên cơ sở đặc tính đó, dưỡng sinh phòng bệnh bằng Y học cổ truyền khái quát thành một số điểm như sau:
1. Điều dưỡng tinh thần
Theo lý luận Y học cổ truyền, tình chí con người (vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn giầu, sợ hãi, kinh dị) đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người với mỗi tạng (bộ phận) tương ứng. Cho nên, giữ thái độ sống an tĩnh, thư giãn, thoải mái, thái độ lạc quan mỗi ngày chính là bí quyết để sống mạnh khỏe.
2. Bảo vệ dương khí
  • Giữ ấm cơ thể, tránh môi trường ẩm ướt: mặc đủ ấm, giữ nơi ở tránh gió lùa, ẩm thấp, vệ sinh sạch sẽ;
  • Ăn uống:
    • Uống nước ấm: có thể dùng Tô diệp (lá tía tô) 10g, Sinh khương (gừng tươi) 3g, hãm với nước sôi dùng trong những ngày để ôn ấm trung tiêu (giữ ấm, kích thích bài tiết dịch tiêu hóa và lưu thông đường ruột), phòng trị cảm lạnh, nhức đầu, chóng mặt, bụng trướng đau do lạnh, đại tiện lỏng...
    • Chọn thức ăn có tính ấm, vị cay ngọt như thịt gà, thịt bò, các loại hạt, ngũ cốc (hạt kê, vừng, hạt sen), gia vị (gừng, tỏi, hành, tiêu, thì là, đại hồi, đinh hương,…);
Dưỡng sinh phòng bệnh lúc giao mùa
  • Tránh thức ăn có tính hàn: thực phẩm đông lạnh, chưa nấu chín, trái cây tính mát (cam, quýt, bưởi); thức ăn có tính nê trệ, khó tiêu như thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ,…
3. Vận hành kinh lạc, khí huyết
  • Tập thở: tập bài thở 4 thì. Người bệnh có thể đứng, ngồi, hoặc nằm; thở chậm, sâu, đều, thả lỏng cơ thể, tập trung ý thức vào nhịp thở để thư giãn tinh thần. Bài tập gồm hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, nín thở giữ hơi trong vài giây, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại, nín thở trong vài giây. Mỗi lần tập từ 15 đến 20 phút.
  • Xoa bóp, day ấn các huyệt vùng đầu mặt, cổ gáy, lòng bàn chân
Dùng lòng bàn tay xoa ấm vùng đầu mặt (theo hướng từ trước ra sau, trên xuống dưới), lòng bàn chân. Sau đó day ấn huyệt các huyệt sau theo chiều kim đồng hồ trong vòng 2 phút.
Huyệt Cách xác định thông thường Vị trí huyệt
Bách hội Đặt hai ngón tay cái vào trong hai lỗ tai, các ngón còn lại xoè ra, đầu ngón tay giữa của hai bàn tay vươn thẳng về phía đỉnh đầu,  ôm chặt lấy đầu. Huyệt là điểm giao nhau của đầu ngón tay giữa của hai bàn tay chạm nhau. Bách hội
Phong trì Xòe hai bàn tay, đặt hõm giữa lòng bàn tay vào đỉnh tai hai bên, các ngón tay ôm chặt lấy đầu, hướng ngón cái về phía sau gáy. Sau đó miết hai ngón tay cái từ trên xuống dưới, huyệt là điểm chỗ lõm ở hai bên khối cơ nổi sau gáy Phong trì
Dũng tuyền
 
Co bàn chân và ngón chân lại, huyệt là tìm điểm lõm nhất gần tương ứng vị trí ⅓ trước lòng bàn chân Dũng tuyền
  • Ngâm châm bằng thảo dược
Dùng các loại thảo dược có vị cay, tính ấm như gừng, ngải cứu, đun sôi với nước, để nguội ở nhiệt độ đủ ấm ngâm hai bàn ngón chân. Ngâm thuốc có tác dụng làm ấm kinh mạch, cải thiện tuần hoàn, giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp, giúp ngủ ngon.
Ngâm châm bằng thảo dược
  • Vận động, tập thể dục
Chọn cho mình một bài tập vận động vừa sức và duy trì đều đặn 30 phút mỗi ngày, tránh hoạt động ra nhiều mồ hôi. Khởi động các khớp trước khi tập, tăng dần cường độ vận động.
Trên đây, bài viết đã trình bày một số phương pháp phòng bệnh lúc giao mùa theo dưỡng sinh. Con người là một tiểu vũ trụ trong một đại vũ trụ của thế giới tự nhiên. Vì thế, sống thuận với lẽ tự nhiên, hợp với quy luật bốn mùa, không ngừng rèn luyện thân thể, nâng cao chính khí (sức đề kháng), chống lại tà khí (yếu tố gây bệnh) để bảo vệ sức khỏe.

 

Tác giả bài viết: Bs. Trần Thị Ngọc Thu – Khoa YHCT

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây