tin tuc

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang

Thứ ba - 11/10/2022 23:07
Hàng năm cứ đến đầu đầu mùa mưa, nhất là sau những trận mưa lớn thì có rất nhiều bệnh nhân bị Viêm da côn trùng đến khám với chuyên khoa Da liễu chúng tôi. Vậy tác nhân gây bệnh ở đây là gì, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì chủ yếu là do Kiến ba khoang
Kiến ba khoang còn được gọi là kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc, dài khoảng 1cm, có hai màu đỏ và đen. Kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, mình nó có 2 đôi cánh.
Theo các chuyên gia về côn trùng học, do trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin (còn được gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) dự trữ trong một đôi tuyến ở phần cuối bụng với tác dụng bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài sinh vật khác tấn công để ăn trứng. Pederin là một loại amid độc có công thức hóa học là C24H43O9N. Lượng chất độc này chiếm khoảng 0,0025% trọng lượng của cơ thể loài kiến này, pederin có độc tính mạnh gấp 12- 15 làn nọc độc của rắn hổ mang tuy nhiên do lượng tiếp xúc rất nhỏ và chỉ ở bên ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc độc của rắn; độc chất  này cũng có hoạt tính gây bỏng mạnh gấp 100-150 lần axít sunfuric đậm đặc, vì thế khi tiếp xúc vào da có thể gây bỏng, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây tổn thương da sâu rộng như acid sulfuric
Ban ngày, kiến ba khoang bò tương tự như kiến, chúng sống ở các ruộng lúa, vườn cây, ven bờ suối, ao hồ hoặc dưới tán cây ở các bìa rừng, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng thường xuất hiện và phát triển vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao, nhất là sau các cơn mưa lớn đầu mùa, lúc đó loài kiến này vì sợ bị ướt và ngập nước nên nó ra khỏi chổ ẩn nấp, ban đêm thường bay theo ánh đèn vào nhà, nhất là các toà nhà cao tầng, khu nhà cạnh cạnh ao hồ, cánh đồng…Vào nhà kiến bò khắp nơi, vô tình tiếp xúc với cơ thể chúng ta trực tiếp hay qua đồ dùng cá nhân, khi bị chà xát hay dập nát, cơ thể chúng giải phóng ra chất dịch chứa chất pederin. Chất dịch này khi tiếp xúc với bề mặt da gây nên phản ứng viêm da tiếp xúc kích ứng (mọi người thường hay hiểu nhầm là kiến ba khoang cắn hoặc đốt), tiếp xúc với mắt gây nên: loét kết mạc, giác mạc, bỏng mắt…
Hình ảnh Kiến ba khoang:
Hình ảnh Kiến ba khoang:

Triệu chứng lâm sàng
Kiến ba khoang thường hoạt động vào ban đêm, lúc mọi người đang ngủ nên sáng sớm thức dậy, các triệu chứng thường thấy:
– Tổn thương trên da thường xuất hiện tại vùng da hở ở một số vị trí như mặt, cổ, vai, gáy, hai tay và chân hoặc ở vùng lưng nếu ngủ không mặc áo
–Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
– Tổn thương có thể gặp hình ảnh dạng đối xứng qua nếp gấp như ở khuỷu tay, khoeo chân, nách theo kiểu tổn thương hôn nhau (kissing lesion).
– Ban đầu, vùng da bị tổn thương sẽ có dấu hiệu bị tấy đỏ thành vệt dài hoặc thành đám kèm theo đó là cảm giác bỏng rát và ngứa ngáy vô cùng khó chịu.
– Sau khoảng vài giờ, tại vùng da này sẽ nổi lên những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành những mụn nước, bọng nước chứa dịch trong như vết bỏng mức độ 1-2, sau thời gian chuyển sang màu vàng nhạt, bên trong có chứa nhiều dịch vàng (huyết thanh của cơ thể người tiết ra).
– Thông thường với những trường hợp nhẹ thì khoảng vài ngày sau đó các mụn nước này có thể tự khô và đóng vảy, sau đó tự lành nhưng khi lành thường để lại những sẹo thâm hay những dát mảng tăng sắc tố sau viêm trên bề mặt da trong một thời gian dài làm mất thẩm mỹ
– Trong trường hợp người bệnh không cẩn thận hoặc không chịu được ngứa ngáy, dùng tay gãi có thể khiến các mụn nước trên vỡ ra, dịch vàng trong mụn chảy lan tới các vùng da lân cận khác khiến vết thương ngày càng lan rộng và lâu hồi phục hơn.
– Một số trường hợp bị nặng, vùng da bị tổn thương diện rộng có thể bị loét hoại tử và nhiễm trùng kèm theo các dấu hiệu toàn thân như sốt, mệt mỏi, nổi hạch và sưng nóng đỏ đau tại chổ
Hình ảnh tổn thương da điển hình qua thăm khám
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang
Chẩn đoán phân biệt:
Rất nhiều người bệnh bị viêm da tiếp xúc do Kiến ba khoang bị chẩn đoán nhầm với zona. Zona là bệnh lý do virus Varricella-zoster, bệnh đặc trưng bởi tình trạng những đám mụn nước nhỏ, bọng nước trên nền hồng ban. Tổn thương phân bố ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh ngoại biên, đặc biệt bệnh thường đi kèm các triệu chứng đau nhức rất dữ dội, đau tăng về đêm. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi
Một số trường hợp được chẩn đoán nhầm với bệnh Herpes simplex. Herpes là bệnh do virus Herpes simplex gây nên, với tổn thương là mụn nước nhỏ tập trung thành đám, ở vùng niêm mạc môi, sinh dục… Người bệnh thường có cảm giác ngứa, rát, châm chích…bệnh thường hay tái phát.
Viêm da tiếp xúc kích ứng với các nguyên nhân khác: Thường là nhận biết được yếu tố tiếp xúc trực tiếp với da gây ra hồng ban, mụn nước, ngứa tương ứng với vùng dị nguyên tiếp xúc
Xử trí khi bị viêm da côn trùng:
– Rửa sạch vùng da vừa tiếp xúc với kiến càng nhanh càng tốt bằng nước sạch, nước muối sinh lý hoặc xà phòng dịu nhẹ để trung hòa hoặc giảm bớt độc tố thẩm thấu nhanh vào da, hạn chế sự kích ứng trên da. Khi rửa, phải rửa hết sức nhẹ nhàng để không làm trầy xước hoặc khiến cho độc tố này lan rộng tới các vùng da khác.
– Không tiếp xúc các vùng da lành với vùng da bị dính độc tố pederin.
– Tránh gãi hay chà mạnh lên vùng da bị tổn thương đặc biệt là những mụn nước để không làm dịch tiết bị chảy ra và lan rộng đến các vùng da lân cận khác.
– Tuyệt đối không nên tự tìm cách chữa cho mình tại nhà bằng cách đắp các loại lá trong dân gian bởi có thể khiến vết thương lan rộng và bị nhiễm trùng.
– Không nên tự chữa mà đến các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa Da liễu để thăm khám và chẩn đoán chính xác từ đó có phương án điều trị đúng và an toàn.
–Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc rửa, thuốc bôi, thuốc uống tùy theo tình trạng của bệnh
Biện pháp phòng tránh:
–Sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, hạn chế mở cửa nhiều, nên buông rèm cửa để tránh Kiến ba khoang bay vào nhà, nhất là trong những ngày mưa lớn
– Trước khi đi ngủ, bạn nên chú ý kiểm tra kỹ giường chiếu, chăn ga gối đệm xem có kiến ba khoang hay không và trước khi mặc quần áo cũng vậy, khi ngủ nên nằm màn.
– Khi nhìn thấy kiến ba khoang, tuyệt đối không được dùng tay nghiền nát hoặc chà xát chúng trên thân mình để tránh độc tố pederin tiết ra.
–Quét dọn nhà cửa, dùng bình xịt côn trùng để xua đuổi kiến khỏi nơi ở.
 –Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho Kiến ba khoang.
 –Khi đi làm việc trên đồng ruộng, vườn cây nhất là mùa cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như quần áo dài tay, dội mũ nón, khẩu trang, đi ủng.

Tác giả bài viết: BSCKI. Lê Anh Vũ - Khoa Da Liễu

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Album ảnh bệnh viện
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây